Phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 9/5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số. Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng với mong muốn tạo ra được một cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, công nghệ số hết sức quan trọng hiện nay. Phó Thủ tướng cho rằng Luật Công nghiệp công nghệ số phải đạt được 4 mục tiêu.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh: MST.
Thứ nhất, phát triển ngành công nghiệp, công nghệ số trở thành một ngành kinh tế quan trọng và đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế của đất nước.
Thứ hai, hình thành và phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số. Cơ bản từng bước chuyển dịch từ lắp ráp gia công sang các khâu có chất lượng, hàm lượng cao hơn. Đó là sáng tạo, thiết kế hay sản xuất rồi tiến dần lên làm chủ công nghệ lõi, các công nghệ số chiến lược, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hình thành được các doanh nghiệp công nghệ số lớn tầm cỡ quốc tế.
Thứ ba, phát triển hạ tầng công nghiệp, công nghệ số một cách hiện đại và đồng bộ.
Thứ tư, thu hút và hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành này.
Tại hội trường Quốc hội, Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm rằng các chính sách phải cụ thể, rõ ràng, đột phá và vượt trội, có thể thực hiện được ngay.
“Cùng một vấn đề thì chỉ quy định ở một luật, đảm bảo nguyên tắc như vậy và tăng cường phân cấp phân, quyền rồi cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính”, ông Dũng nói và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề như các cơ chế, chính sách về ưu đãi đối với cả công nghiệp công nghệ số, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển, phát triển hạ tầng hay thị trường, phát triển công nghiệp bán dẫn, quản lý trí tuệ nhân tạo hay tài sản số và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát,…
AI thu hút đại biểu Quốc hội
Cũng tại buổi thảo luận tại hội trường, một trong những vấn đề được các Đại biểu Quốc hội quan tâm là vấn đề quản lý rủi ro đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo có mức độ tác động cao, yêu cầu minh bạch hóa, công khai mức độ nhận biết của người sử dụng khi tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo. Các ĐBQH như ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn), Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lã Thanh Tân (TP Hải Phòng), Nguyễn Thị Sửu (TP Huế), Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà), Thạch Phước Bình (Trà Vinh),... đã có những góp ý, trao đổi về các quy định liên quan tới AI trong dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số.
Góp ý với dự thảo, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho rằng, tại khoản 1, điều 46 quy định về quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo nêu quy định hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao là hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng gây ra những rủi ro tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người, quyền và lợi ích của con người, lợi ích công cộng và trật tự an toàn xã hội, trừ hệ thống trí tuệ nhân tạo quy định tại khoản 2 điều này. Tuy nhiên, quy định tại khoản 1, điều 46 không đưa ra được như thế nào là rủi ro, tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, chưa đưa ra được giới hạn cụ thể về khả năng tác động, số lượng người dùng, lượng tính toán tích lũy để huấn luyện.
“Định nghĩa về hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao được quy định như trên chưa cụ thể, chưa rõ ràng dẫn đến khó triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, không nên điều chỉnh các công nghệ một cách cụ thể, ví dụ như công nghệ trí tuệ nhân tạo mà nên tập trung vào quản lý việc sử dụng các công nghệ đó.
Tôi đề nghị cần xác định rõ các tiêu chí để xác định hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao và chỉ nên được hạn chế ở một số hệ thống trí tuệ nhân tạo nâng cao hoặc tiên tiến, đồng thời cần tham khảo quy định quốc tế về tiêu chuẩn”, đại biểu Lam góp ý.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng đề cập tới trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động cung cấp, phát triển và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo quy định tại điều 48. Theo đại biểu Lam, dự thảo luật đặt ra trách nhiệm giám sát rất nặng nề đối với nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo. Điều này có thể là không khả thi trên thực tế gây cản trở cho hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, trong trường hợp các nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo sử dụng công nghệ có mã nguồn mở thì việc yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ này là không phù hợp về mặt kỹ thuật. Đồng thời, bên cạnh các nghĩa vụ nêu trên, liên quan đến dữ liệu thông tin cá nhân, nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo còn có nghĩa vụ bảo vệ quyền riêng tư, thông tin cá nhân, giải quyết kịp thời các tra cứu sao chép, bổ sung, xóa thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật được quy định.
ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đặt vấn đề về nguyên tắc phát triển, cung cấp, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Ông cho rằng cần bổ sung thêm quy định theo hướng các hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao hoặc có tác động lớn trước khi triển khai chính thức phải được đánh giá, thẩm định bởi tổ chức kiểm định độc lập được Nhà nước chỉ định hoặc công nhận.
Theo phân tích của ĐB Mạc, điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước mà còn tạo cơ sở pháp lý để người dân, doanh nghiệp yên tâm khi sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống sản xuất, kinh doanh và nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế số, xã hội số như hiện nay.
Ngoài ra, ông đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh theo hướng nêu rõ khi hệ thống trí tuệ nhân tạo tương tác trực tiếp với con người thì phải thông báo một cách rõ ràng, dễ hiểu để người sử dụng biết. Thông báo này phải được thể hiện dưới hình thức mặc định, không được ẩn bỏ qua hoặc tắt tự động, trừ trường hợp có sự lựa chọn rõ ràng của người sử dụng.
Ngân sách chi cho công nghiệp công nghệ số lấy từ đâu?
Trao đổi về nguồn tài chính cho việc triển khai các hoạt động công nghiệp công nghệ số, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề xuất đưa nguồn tài chính phát triển công nghiệp công nghệ số được lồng ghép trong khoản tối thiểu 3% tổng ngân sách chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thay vì đặt làm một mục riêng được như trong dự thảo luật đang đề cập.
Phản hồi góp ý này, ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định chủ trương chi tối thiểu 3% ngân sách đã bao gồm khoản chi cho công nghiệp công nghệ số, “chứ không rạch ròi ra được chi khoản này bao nhiêu, chi khoản kia bao nhiêu như đại biểu Trường Giang nói là hoàn toàn đúng”.