"Bớt lo sợ AI, nhưng không thạo nó nhà báo sẽ tự đào thải mình"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Nhà báo nên tập trung vào những việc đòi hỏi khả năng phản biện, sáng tạo, cảm xúc, khéo léo mà AI không thể thay thế được... thay vì làm nghề theo cách cũ, có thể tự đào thải chính mình", Viện trưởng SJC chia sẻ.

Vấn đề được nêu tại tọa đàm “Nhà báo là ai. Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?”, do Câu lạc bộ Cafe Số - đơn vị trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí & Truyền thông (SJC), Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) và Tạp chí VietTimes tổ chức ngày 8/4.

Sự kiện có tham dự của hơn 300 đại biểu, gồm các nhà báo, chuyên gia truyền thông, công nghệ và sinh viên báo chí...

"AI thay thế nhà báo hay nhà báo thay thế AI"?

TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng SJC cho rằng không nên đặt vấn đề này, thay vào đó nhà báo nên suy nghĩ nghiêm túc về việc sống chung với trí tuệ nhân tạo (AI). Ông cho rằng cách tốt nhất là dung hòa, nhà báo nên suy nghĩ, tập trung làm những việc đòi hỏi sáng tạo. AI sẽ giúp nhà báo làm những việc theo khuôn mẫu, xử lý dữ liệu.

“Tại sao chúng ta không nghĩ từ khi có AI, khái niệm về báo chí, truyền thông sẽ thay đổi, thậm chí khái niệm về ‘con người’ cũng sẽ thay đổi”, TS Kiền đặt vấn đề. Với cách tiếp cận đó, mỗi cá nhân, mỗi nhà báo sẽ dễ dàng chấp nhận thực tế rằng AI đang tồn tại như một thực thể, mỗi cá nhân đang tồn tại như một sự nghiễm nhiên mà 2 chữ “con người” không thể thay thế được.

Viện trưởng JSC cho rằng mỗi cá nhân nên bớt lo sợ và yên tâm sống chung cùng AI và tận dụng triệt để những cái lợi ích từ nó.

vt_Phan van Kien.jpg
TS Phan Văn Kiền: AI không thách thức các nhà báo, mà các nhà báo phải tự thách thức mình để thích nghi.

Bối cảnh mới hiện nay đặt ra cho người làm báo nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng rất lớn. Độc giả không lên báo để cập nhật tin tức nữa, nếu nhà báo chỉ đơn thuần đưa tin tức, chắc chắn nhà báo bị thay thế.

“Nói rằng nhà báo sẽ bị AI thay thế, là cách chúng ta nhấn mạnh vào sự can thiệp sâu của AI vào báo chí. Có chăng, AI sẽ thay thế một phần việc nào đó của nhà báo”, TS Kiền nói và cho rằng bản chất của đời sống cũng như của công việc báo chí luôn vận động và thay đổi. Yêu cầu về nhà báo hiện nay rất khác với thời 10-20 năm trước. Nhà báo vẫn làm nghề theo mô-tip cũ là cách nhanh nhất tự đào thải chính mình.

Cho rằng AI không thách thức các nhà báo, mà nhà báo phải tự thách thức mình để thích nghi, Viện trưởng SJC cho rằng chỉ có những nhà báo có vấn đề về chuyên môn mới bị thất nghiệp.

MC Mai An.jpg
Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã ứng dụng AI mạnh mẽ. Trong ảnh: MC Mai An (AI) thực hiện phỏng vấn chuyên gia.

Dẫn thực tế đào tạo tại Viện, TS Kiền cho biết sinh viên báo chí hiện được đào tạo không chỉ để làm báo. Trong chương trình đào tạo, Viện liên tục bổ sung các kỹ năng liên quan đến làm nội dung, truyền thông nói chung.

“Chúng tôi tin rằng sinh viên của chúng tôi ra trường không làm báo thì có thể làm truyền thông rất tốt. Vì thế, câu chuyện ở đây là chúng ta cần trang bị gì để không bị thay thế, chứ đừng lo việc AI thay thế chúng ta. AI không bao giờ thay thế được chúng ta nếu cá nhân đó thường xuyên trau dồi”, Viện trưởng SJC nói.

AI giúp báo chí hiểu độc giả

Trao đổi về thực trạng ứng dụng công nghệ trong ngành báo chí hiện nay, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS, dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 35% phóng viên thực sự sử dụng các công cụ số trong tác nghiệp hàng ngày. Chính sự chậm trễ trong việc thích nghi và ứng dụng công nghệ số là yếu tố khiến người báo bị tụt hậu.

Nhắc lại nhiều ý kiến cho rằng AI cung cấp nội dung mang tính cá nhân hóa cho người đọc, ông Đồng đặt vấn đề liệu các cơ quan báo chí trong nước đã có đủ dữ liệu người dùng chưa, chuyển tải những nội dung trực tiếp đến người đọc phù hợp bằng cách nào?

Chia sẻ sâu hơn, ông Đồng cho rằng cần làm rõ 2 việc: Các tòa soạn tích lũy dữ liệu độc giả như thế nào; sử dụng những dữ liệu đó ra sao để hiểu độc giả? Đây là 2 vấn đề mấu chốt trong để các cơ quan báo chí hoạt động và phát triển.

Ng Quang Dong.jpg
Ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng AI không thể thay thế được con người về tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, tưởng tượng, cảm xúc và khéo léo.

Từ số liệu chương trình Google News Initiative triển khai năm 2023 - 2024 của IPS phối hợp với Google, Viện trưởng IPS cho rằng các tòa soạn hiện thiếu dữ liệu về độc giả. Các cơ quan báo chí không nắm được độc giả của mình chính xác là ai để tối ưu hóa phân phối nội dung.

Dẫn nghiên cứu của BBC rằng đa phần là các cơ quan báo chí đang hiểu sai về nhu cầu của độc giả, ông Đồng cho rằng các cơ quan báo chí cần sử dụng công nghệ đặc biệt là AI để hiểu độc giả. Đây là yêu cầu quan trọng, mang tính sống còn của cơ quan báo chí.

Khi các phóng viên và cơ quan báo chí tích cực học hỏi và ứng dụng công nghệ, báo chí sẽ không chỉ vượt qua những thách thức của chuyển đổi số mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và chất lượng.

Về cơ bản, AI dựa trên dữ liệu nhưng có sẵn. Do đó, AI hoạt động tốt khi ứng dụng vào những công việc lặp đi lặp lại, có yếu tố cấu trúc càng ngày càng cao, dữ liệu càng ngày càng nhiều, tính toán phức tạp.

Logic này mang hàm ý rằng mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kỹ năng và phẩm chất mà AI không thể thay thế được như tư duy phản biện, nuôi dưỡng khả năng sáng tạo, tưởng tượng, cảm xúc và sự khéo léo,… để phát triển trong kỷ nguyên công nghệ, theo ông Đồng.