Báo chí đi về đâu khi AI ngày càng giỏi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

AI viết tin nhanh, liệu có thể thay thế hoàn toàn nhà báo? Và với sự ứng dụng công nghệ mạnh mẽ như hiện nay, nhà báo sẽ đi về đâu trong kỷ nguyên AI?

02.png
Nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng AI vào sản xuất nội dung.

Báo chí trước làn sóng AI: Tận dụng hay bị thay thế?

Cuối năm 2023, Microsoft và OpenAI hợp tác với Axel Springer – tập đoàn sở hữu Business Insider, Politico Europe và Bild – nhằm tự động hóa việc sản xuất tin tức bằng AI. Cùng thời điểm đó, Google thử nghiệm “Genesis” – AI viết báo tự động. Chỉ trong 2 năm, hàng trăm tờ báo lớn trên thế giới đã ứng dụng AI để viết tin nhanh, tổng hợp nội dung, tóm tắt tin tức, tạo video và ảnh minh họa.

Ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí lớn cũng đã ứng dụng AI vào sản xuất nội dung, đặt ra câu hỏi: Nhà báo sẽ đi về đâu trong kỷ nguyên AI?

Để trả lời câu hỏi này, ngày 8/4/2025, tọa đàm “Báo chí đi về đâu khi AI ngày càng giỏi?” sẽ diễn ra tại Viện Đào tạo Báo chí & Truyền thông (SJC). Chương trình do Câu lạc bộ Cafe Số (CFS) phối hợp với SJC, Viện IPS và Tạp chí VietTimes tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực báo chí và công nghệ.

AI đã thay đổi báo chí như thế nào?

Thực tế, AI đang làm thay công việc của nhà báo như viết tin nhanh, cập nhật sự kiện liên tục, chỉ trong vài giây. Ví dụ, hãng tin AP dùng AI để viết hàng nghìn bản tin tài chính mỗi tháng; trước đó The Washington Post phát triển AI “Heliograf” để tường thuật trực tiếp Olympic và bầu cử Mỹ năm 2016. Hoặc Nikkei (Nhật Bản) dùng AI để phân tích thị trường chứng khoán và đưa ra dự báo.

Ngoài ra, một số công đoạn liên quan đến báo chí, như dịch thuật, tóm tắt nội dung báo chí nước ngoài hiện nay rất nhiều cơ quan sử dụng AI để dịch nhanh bài báo sang nhiều ngôn ngữ. Cụ thể, BBC, The New York Times sử dụng AI để dịch nội dung sang nhiều thứ tiếng mà không cần biên dịch viên.

Tại Việt Nam, Báo Nhân Dân thử nghiệm AI để tóm tắt tin tức và gợi ý chủ đề cho phóng viên. Còn VietnamPlus (TTXVN) đã sử dụng AI để tạo video tin tức tự động, giúp rút ngắn thời gian sản xuất. VnExpress cũng thử nghiệm AI để chuyển đổi văn bản thành giọng nói, giúp người dùng nghe tin tức thay vì đọc.

Báo Vietnamnet đang thử nghiệm AI dịch các bài báo quốc tế sang tiếng Việt, giúp biên tập viên tiết kiệm thời gian.

Một trong các thế mạnh khác của AI còn là tạo nội dung video, ảnh minh họa. Hiện Runway AI có thể tạo video minh họa cho một bài báo chỉ bằng vài dòng lệnh. Với MidJourney, DALL·E có thể giúp các tờ báo tạo ảnh minh họa mà không cần nhiếp ảnh gia.

Trong nước có một số cơ quan báo chí cũng dò dẫm sử dụng tính năng này. Báo Tuổi Trẻ và VTV24 đang thử nghiệm AI để tạo video tin tức tự động, sử dụng ảnh minh họa từ AI.

AI có thể thay thế hoàn toàn nhà báo?

Dù AI có thể viết tin nhanh nhưng không thể thay thế hoàn toàn nhà báo. Những kỹ năng mà AI chưa làm tốt gồm: Phỏng vấn nhân vật, đặt câu hỏi sắc sảo. AI không thể tham gia các cuộc phỏng vấn độc quyền như nhà báo, phóng sự điều tra. AI có thể tổng hợp dữ liệu nhưng không thể đi thực địa, thu thập bằng chứng như cách nhà báo điều tra vụ bê bối Panama Papers.

Cạnh đó, với các yêu cầu phân tích chuyên sâu, phản biện xã hội, AI không thể tạo ra các bài bình luận chính trị, kinh tế sắc bén như nhà báo con người. Chính vì thế, một câu hỏi chung cho cả nhà báo trẻ và những người làm nghề lâu năm là: Cơ hội và thách thức nào cho nhà báo trong kỷ nguyên AI?

01.png
Trong kỷ nguyên AI, cơ hội không thuộc về những nhà báo lowtech.

Trước hết nói về thách thức. Nhà báo sẽ bị AI cạnh tranh/đối mặt với khả năng bị thay thế khi AI có thể viết tin nhanh hơn, rẻ hơn, đồng nghĩa nhiều tờ báo sẽ cắt giảm nhân sự. Do đó cơ hội sẽ không thuộc về những nhà báo lowtech, đồng nghĩa nhà báo cần học kỹ năng mới. Nếu không biết sử dụng AI, nhà báo sẽ bị tụt lại phía sau.

Thêm vào đó, do mô hình dữ liệu khác nhau dẫn đến nguy cơ báo chí bị lấn át bởi tin giả. AI có thể tạo tin tức giả tinh vi hơn, đòi hỏi nhà báo phải kiểm chứng nguồn tin kỹ lưỡng hơn.

Nói đi rồi nói lại, biết AI có thể đem lại cơ hội. Những kỹ năng giúp nhà báo trẻ không bị AI thay thế, như biết sử dụng AI để hỗ trợ sáng tạo nội dung, không nên chống lại AI mà phải tận dụng nó. Cạnh đó vẫn tập trung vào các kỹ năng điều tra, phân tích, sáng tạo nội dung độc quyền - những nội dung có chiều sâu vẫn cần con người.

Mặt khác cần nắm rõ các vấn đề liên quan đến bản quyền AI, bảo vệ nội dung báo chí. Nhiều bài báo đã bị AI sao chép, vì vậy hiểu luật bản quyền sẽ là lợi thế.

Tọa đàm sắp tới: Chia sẻ từ chuyên gia quốc tế

Một trong những diễn giả chính tại Toạ đàm là GS. Nguyễn Đức An, chuyên gia về báo chí số từ Đại học Bournemouth, Anh Quốc. Ông sẽ chia sẻ về hai nhóm nội dung chính: (1) AI đang thay đổi báo chí như thế nào trên thế giới? (2) Nhà báo cần làm gì để thích nghi với thời đại AI?

Hiện đã có khoảng 300 sinh viên, nghiên cứu sinh tại Viện SJC đăng ký tham dự khi nghe tin về Toạ đàm và diễn giả. Các Toạ đàm và hoạt động của Câu lạc bộ Cafe Số như thế này luôn nhận được sự đồng hành & cơ hội cho doanh nghiệp. Ở cuộc tọa đàm về kỷ nguyên AI này, Tập đoàn TH true MILK đã đồng hành với ban tổ chức và dự kiến sẽ có những hoạt động hỗ trợ sinh viên tham gia ứng dụng AI ngay toạ đàm. Được biết TH true MILK cũng là nhãn hàng có truyền thống đồng hành cùng báo chí, truyền thông và giáo dục.

Do tính chất hoạt động của Câu lạc bộ Cafe Số nên các doanh nghiệp khác tham gia đồng hành, tài trợ sẽ tận dụng được cơ hội hình ảnh thương hiệu được quảng bá rộng rãi đến cộng đồng sinh viên, nhà báo trẻ và chuyên gia truyền thông.

Hơn thế, thông qua các kênh quảng bá của Ban Tổ chức, bộ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp sẽ tiếp cận cộng đồng báo chí & truyền thông lớn tại Việt Nam, như qua các chương trình tọa đàm, hội thảo và xuất hiện trên các kênh truyền thông uy tín như VietTimes.

Báo chí sẽ không chết, nhưng phải thay đổi

AI không phải là kẻ thù của báo chí, mà là công cụ hỗ trợ. Nhà báo nếu biết tận dụng AI sẽ tạo ra nội dung tốt hơn, nhanh hơn. Nhưng nếu không thích nghi, AI có thể thay thế họ.

Đó là lý do tọa đàm 8/4/2025 không chỉ là một sự kiện thảo luận mà còn là cơ hội để nhà báo trẻ tìm ra hướng đi của mình trong thời đại AI.