Sáng hôm nay 23/7, TP.HCM ghi nhận 3.302 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có hơn 48.800 trường hợp mắc COVID-19. Sau 14 ngày thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16, số ca nhiễm mới tại TP.HCM vẫn liên tiếp tăng nhanh, ở mức độ trên 3.000 đến trên 5.000 ca bệnh/một ngày, Thành uỷ TP.HCM ra văn bản khẩn số 12, yêu cầu thực hiện Chỉ thị 16+, tăng giãn cách, siết chặt mọi hoạt động trên toàn địa bàn.
Thành uỷ TP.HCM chỉ đạo: “Sau nhiều ngày nỗ lực quyết tâm, tình hình dịch tại thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong khu phong tỏa, cách ly; số ca điều trị, ca nặng, tử vong ngày càng tăng; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch quá tải. Do đó, nhằm hạn chế trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tăng cường một số biện pháp trong thực hiện Chỉ thị 16”.
Khu vực trung tâm TP.HCM vắng không một bóng người trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - Ảnh: Hoà Bình |
Văn bản khẩn của Thành ủy TP.HCM yêu cầu tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và công trường, công trình xây dựng, giao thông không thật sự cấp bách. Ngân hàng, công ty chứng khoán duy trì công suất để cung ứng dịch vụ cần thiết, bố trị nhân sự theo ca kíp.
Hoạt động của doanh nghiệp bị siết chặt, cụ thể, chỉ doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; dịch vụ tang lễ, kho bạc Nhà nước và dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định mới được hoạt động.
Doanh nghiệp khác chỉ hoạt động khi tuân thủ "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến".
Những người công nhân tình nguyện ở lại giữ dây chuyển sản xuất |
Nữ công nhân gửi con nhỏ về quê để ở lại trong nhà máy "ba tại chỗ" |
Đồng thời, trong giai đoạn tăng giãn cách, Thành ủy cũng yêu cầu tăng kiểm tra, giám sát, đảm bảo giãn cách giữa cá nhân với cá nhân; gia đình với gia đình. Trong khu phong tỏa, thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Trong khu cách ly, người cách ly không được ra khỏi phòng và không tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).
Bắt đầu từ ngày 23/7, Thành uỷ TP.HCM chỉ đạo, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế; mua thực phẩm thiết yếu tại siêu thị, chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần và sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phương cấp). Với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà.
Các gia đình có F0, F1 cách ly tại nhà cần thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ cấp cứu); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được hỗ trợ, cung cấp tại nhà.
Đường phố vắng người qua lại trong những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 - Ảnh: Hoà Bình |
Các khu nhà trong hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao cần thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách cá nhân với cá nhân.
Chợ truyền thống chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, bảo đảm không gian mở, thoáng, có màng ngăn giữa người mua và bán, niêm yết giá và khuyến khích bán hàng vào túi sẵn; chỉ kinh doanh hàng thiết yếu và giảm quy mô khoảng 30%; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tương tác.
Cơ quan Nhà nước làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan. Các chốt, trạm kiểm soát chỉ giải quyết cho xe công vụ, phương tiện vận tải hàng hóa có mã QR nhận diện được vận chuyển, vận tải vào thành phố; xe cá nhân của cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và mục đích công vụ; xe đưa rước người dân thành phố về quê theo kế hoạch.