Trong quy hoạch được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, các khu đô thị mới tại các quận nội thành phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch tỷ lệ 1/500, các công trình xây dựng trên mặt các tuyến phố chính phải thực hiện nghiêm quy định về chiều cao và mật độ xây dựng, nhưng thực tế không ít quận nội đô lại "bỏ quên" quy hoạch để các công trình vượt phép mọc tràn lan.
Khu đô thị Dịch Vọng phá vỡ quy hoạch thành phố
Theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, các ô đất tại khu đô thị mới Dịch Vọng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) được dành thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất gồm D2, D4, D5, D6, D7, D11, D13, D18, D21, D23 được quy hoạch xây dựng biệt thự. Biệt thự trong khu đô thị này phải tuân thủ các tiêu chí: Có diện tích 200 - 300m2, mật độ xây dựng 50 - 60%, chiều cao 3 tầng, chỉ giới xây dựng lùi 3m so với chỉ giới đường đỏ. Trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh quy hoạch các lô đất biệt thự diện tích 200 - 300m2/lô thành các lô đất nhà vườn diện tích 150m2/lô, nhưng vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn về chiều cao, mật độ xây dựng nhằm giữ gìn cảnh quan và môi trường cho khu đô thị.
Các ô đất D2, D6 phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) có nhiều công trình vi phạm xây cao 9 -11 tầng, phá vỡ quy hoạch tổng thể.
Năm 2009, UBND quận Cầu Giấy đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội xin điều chỉnh chiều cao các lô đất nhà vườn từ 3 tầng, lên thành 5 tầng + tum nhưng đến nay chưa được UBND thành phố chấp thuận phương án điều chỉnh, đồng nghĩa quy hoạch tỷ lệ 1/500 do UBND thành phố Hà Nội duyệt còn nguyên giá trị pháp lý cần phải được thực hiện.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2015, hầu hết các công trình xây dựng trên địa bàn khu đô thị mới Dịch Vọng đều vi phạm chiều cao và mật độ xây dựng, thậm chí có công trình vượt 4-5 tầng so với quy hoạch tỷ lệ 1/500 của thành phố Hà Nội. Đơn cử như dãy nhà lô D6, chiều cao trung bình được chủ đầu tư xây dựng phổ biến 9-11 tầng, trong khi quy hoạch quy định được xây không quá 3 tầng, tương đương 12m. Dãy nhà lô D2 cũng có chiều cao phổ biến 9-11 tầng. Khiêm tốn hơn một chút, dãy nhà lô D17 khu vực mặt phố Thọ Giáp quy định xây 3 tầng nhưng các hộ dân xây dựng từ 6-8 tầng.
Cùng nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng, năm 2012, Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm - chủ đầu tư khu đô thị mới Dịch Vọng tổ chức xây nhà để xe khung thép cao 6 tầng với giá trị hàng chục tỷ đồng và nhanh chóng đưa vào khai thác thu phí. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra mới phát hiện công trình nhà để xe “khủng” đã hình thành khi chưa có đủ hồ sơ pháp lý, công trình đưa vào sử dụng khi chưa được các cơ quan chuyên môn thẩm định về chất lượng công trình. Để có cơ sở xử lý, tháng 11/2015, Sở Xây dựng mới yêu cầu chủ đầu tư mời đơn vị chuyên môn vào kiểm định đánh giá khả năng chịu lực của kết cấu công trình theo quy định; Mời Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm tra, kiểm định các điều kiện về PCCC phòng cháy chữa cháy.
Những công trình vi phạm ở khu đô thị Dịch Vọng có quy mô lớn, được tổ chức thi công trong thời gian dài nhưng UBND phường Dịch Vọng và Đội Thanh tra Xây dựng quận Cầu Giấy đã không kịp thời phát hiện (?!), mặc dù đây chính là các đơn vị nắm giữ vai trò giám sát việc tuân thủ giấy phép xây dựng và quy hoạch tại địa bàn. Đặt câu hỏi với đại diện chính quyền phường Dịch Vọng về nguyên nhân dẫn đến các công trình vi phạm tràn lan, lập tức phóng viên được chính quyền dẫn giải ra các nguyên nhân khách quan như “nhu cầu ở cấp thiết của người dân”, “quy hoạch tỷ lệ 1/500 đã không còn phù hợp”... nhằm che khuất trách nhiệm của chính quyền.
Cao ốc mọc tràn lan “đâm thủng” quy hoạch phố cổ
Ngày 24/10/2013, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ. Điểm nổi bật trong Quy chế quản lý là việc thành phố Hà Nội khống chế các công trình xây dựng về chiều cao và mật độ ở từng khu vực, từng tuyến phố. Sau 3 năm triển khai, hiệu quả của Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ đã không được như mong muốn. Nói đúng hơn, UBND quận Hoàn Kiếm và nhiều phường khu vực phố cổ chưa thực hiện nghiêm việc giám sát các công trình xây dựng mới, dẫn đến việc xâm phạm không gian phố cổ.
Tổ hợp khách sạn 126 - 128 Hàng Bông chiều cao trên 10 tầng, với mật độ xây dựng gần 100%.
Nằm trong vùng lõi của quận Hoàn Kiếm, các công trình xây dựng trên mặt phố Hàng Bông được khống chế chiều cao tối đa 4 tầng (kể cả tầng giật cấp), với tổng chiều cao công trình không quá 16m, mật độ xây dựng 60 - 70%. Quy định rõ trong quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ là vậy, nhưng thực tế lại có rất ít công trình xây mới tuân thủ. Thậm chí, công trình 122 Hàng Bông nằm gần trụ sở UBND phường Hàng Bông có mức độ vi phạm về chiều cao và mật độ còn nghiêm trọng hơn. Đơn cử là công trình 122 Hàng Bông, nằm cách UBND phường chưa đầy 100m nhưng xây cao tới 9 tầng. Nằm cách không xa là tổ hợp khách sạn 126 - 128 Hàng Bông cũng có chiều cao trên 10 tầng, với mật độ xây dựng gần 100%. Những công trình trên vi phạm ở mức độ nào, người dân quanh khu vực đều thấy rõ, nhưng lãnh đạo phường và Đội Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm dường như không hay biết nên mới có chuyện khi lực lượng chức năng vào kiểm tra thì công trình đã “đâm thủng” quy định khống chế chiều cao thể hiện của Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ.
Giống như Hàng Bông, phố Hàng Đồng thuộc phường Hàng Bồ cũng thuộc vùng lõi bị khống chế chiều cao không quá 4 tầng (kể cả tầng giật cấp), tương đương chiều cao 16m. Tuy nhiên, nếu ai đi qua công trình số 37 - 39 Hàng Đồng đang được thi công hối hả đều dễ dàng phát hiện hai công trình kể trên đang được hoàn thiện ở tầng thứ 6, tức là “bỏ xa” 2 tầng so với quy định của Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ. Ngoài Hàng Đồng, trên phố Bát Sứ, Thuốc Bắc, Hàng Vải cùng thuộc phường Hàng Bồ cũng diễn ra những vi phạm TTXD tương tự. Cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 100m, ngõ Bảo Khánh thuộc phường Hàng Trống được coi là địa điểm không thể bỏ qua với du khách lần đầu đến Thủ đô. Tuy nhiên, ở đây Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ dường như đã bị chính quyền sở tại và người dân đồng loạt “bỏ qua”, bởi cả công trình xây dựng trên phố đều đạt chiều cao trung bình 7 - 9 tầng một cách “bất thường”.
Theo Tiền Phong