Tranh cãi về bài thơ “Bắt nạt” và luận bàn về quyền lựa chọn sách giáo khoa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự ồn ào về bài thơ "Bắt nạt", may thay, đã giúp bộc lộ ra những lổ hổng lớn trong nhận thức về chương trình mới ở không ít giáo viên. Đây chính là một cơ hội tốt để Bộ GD&ĐT có những hành động kịp thời.

Bài thơ “Bắt nạt” hay lối giáo dục bắt nạt?

Cuộc tranh cãi ồn ào và mỗi lúc một gay gắt hơn về bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách giáo khoa 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, đã bộc lộ ra nhiều vấn đề lớn, lớn hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, nhất là khi những người hăng hái nhất trong cuộc “tổng tiến công” này lại chính là các thầy cô giáo.

Vụ “tai nạn” của bài thơ này, theo chúng tôi, là một may mắn nhiều hơn là rủi ro, bởi nó giúp bộc lộ ra những lỗ hổng lớn trong nhận thức về giáo dục nói chung và nhất là mức độ thấu hiểu tinh thần cũng như nguyên tắc của Chương trình 2018 nói riêng.

Bài thơ bị chê nhiều hơn khen, nhưng dù khen dù chê thì nó đều là một thứ quỳ tím làm lộ ra màu sắc thật sự của một lối tư duy giáo dục cũ kĩ. Xin được lưu ý, ở đây chúng tôi tuyệt đối chưa đề cập đến chất lượng của cuốn sách, cũng như không đánh giá về bài thơ ấy. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là công tác chuẩn bị về nhận thức, tư tưởng và cả tri thức nữa đối với tinh thần giáo dục của chương trình 2018 là chưa tốt, nếu không nói là quá tệ. Và điều này phải khiến chúng ta lo lắng, nhất là năm học mới đang đến rất gần rồi.

Một bài thơ dở/không hay được đưa vào sách giáo khoa thì thế nào? Không thế nào hết! Nhưng tại sao chúng ta cãi nhau? Vì chúng ta vẫn theo nếp nghĩ cũ: sách giáo khoa là một thứ thánh điển.

“Một chương trình, nhiều bộ sách”, ai dạy bộ nào thì dạy, và dạy ra sao lại là quyền của giáo viên. Nghĩa là sách giáo khoa bây giờ không còn là “pháp lệnh” nữa. Thậm chí nếu giáo viên không thích thì có thể tự tìm kiếm ngữ liệu hoặc tự biên soạn. Đó là một sự “cởi trói” thật sự về mặt lý thuyết, là một bước đột phá mạnh mẽ về tư duy trong cải cách giáo dục. Vấn đề còn lại là giáo viên có đủ năng lực để tự cởi trói cho mình hay không mà thôi.

Nếu bên cạnh 10 bài thơ hay mà có 1 bài dở thì chúng tôi nghĩ điều ấy cũng không phải là cái gì tồi tệ, nó sẽ giúp học sinh nhận biết và phân biệt được cái gì là hay, cái gì là dở. Ở đây chúng ta cũng cần phân biệt một bài thơ dở và một cuốn sách giáo khoa dở. Bài thơ có thể “dở” nhưng nếu nó nằm trong ý đồ của người biên soạn và được đặt trong một tổng thể hữu cơ chủ ý của tác giả sách giáo khoa thì cuốn sách ấy vẫn có thể tốt như thường; ở chiều ngược lại, tất cả các “bài thơ” đều hay nhưng nếu sắp xếp bên nhau không theo một dụng ý khoa học nào thì vẫn chỉ cho ra một cuốn sách dở.

Cái quan trọng nhất là bây giờ sách giáo khoa không còn được coi như một thứ "quyết nghị" nữa, tức là những bài học trong đó hoàn toàn có thể bị đưa ra mổ xẻ, phân tích, chỉ trích, phê phán, bình phẩm bởi thầy cô giáo và học trò. Vậy một bài thơ hay hay dở cũng không phải là vấn đề căn cốt ở đây, mà quan trọng là giáo viên sẽ làm gì với nó.

Chúng ta nhìn thấy qua cuộc tranh cãi về “Bắt nạt” là sự tồn lưu của thói quen cũ rằng cứ là thơ trong sách giáo khoa thì phải khen mới được! Trong khi đáng ra nó cần được tiếp nhận với đúng tinh thần của chương trình mới là gợi mở cho học sinh tự mình cảm thụ, nhìn nhận, đánh giá; có nghĩa là học sinh hoàn toàn có quyền chê bai bài thơ ấy mà không bị rút thẻ vàng thẻ đỏ gì cả. Và như thế, ở đây, vai trò của nhà giáo là vô cùng hệ trọng. Sâm mà vào tay kẻ vụng thì cũng có thể giết người như chơi nhưng nọc rắn vô tay người biết dùng thì thành thuốc chữa bệnh.

Một bài thơ mà khiến người ta cãi nhau như thế thì âu cũng là một “thành công”, xét ở góc độ làm nảy sinh các ý kiến, sự đánh giá và tranh luận. Học là hình thành quan điểm, bảo vệ quan điểm thông qua thảo luận/tranh luận chứ đâu phải lối cũ: thụ động chờ sự ngợi ca hoặc phê phán một chiều từ giáo viên để ghi vào vở rồi thuộc lòng để đến khi đi thi thì chép ra. Cung cách giáo dục nhồi nhét, nặng tính giáo điều như lâu nay về bản chất chính là một kiểu giáo-dục-bắt-nạt!

Bài văn, bài thơ chỉ nên là “vật liệu” là “công cụ” để học sinh thông qua đó mà va chạm suy nghĩ với nhau, đặng hình thành thói quen tư duy, độc lập suy nghĩ, và khả năng diễn đạt và biện luận chứ không phải để lấy bài thơ bài văn ấy làm mục đích của việc học!

Chúng ta đã lấy phương tiện làm mục đích quá lâu rồi, nay có lẽ phải dừng việc ấy lại. Tức là cần thay đổi tư duy giáo dục.

Còn việc đưa một bài thơ dở vào sách giáo khoa thì cứ mang tác giả của bộ sách và nhà xuất bản ra mà chỉ trích và kêu đòi trách nhiệm chứ đừng “bắt nạt” tác giả.

“Một chương trình, nhiều bộ sách”, đây là một thay đổi lớn mang tinh thần tiến bộ vượt bậc. Vì sao? Vì nó đáp ứng quan điểm dạy học theo lý tưởng cá nhân hóa, tức phù hợp với từng cá thể học sinh chứ không “đồng phục” như trước nữa. Và như thế, nếu giáo viên thấy một bộ sách nào đó là “dở” thì sẽ lựa một bộ khác tốt hơn để dạy và để học. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta lại thấy cách triển khai chương trình mới đang bộc lộ những bất cập lớn.

Đã là “một chương trình, nhiều bộ sách” mà lại quy định mỗi tỉnh/thành chỉ được thống nhất chọn một bộ để dùng chung thì vô hình trung đã phủ nhận cái mục đích ban đầu mà chương trình đề ra. Cả tỉnh dùng một bộ sách thì về bản chất có khác gì cả nước dùng một bộ?! Ở đây, nó bộc lộ ra một sự tréo ngoe cực đại đúng kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

Theo chúng tôi, phải để sự lựa chọn sách giáo khoa cho mỗi cá nhân giáo viên; bằng không, tệ nhất thì cũng phải là cấp trường, tức mỗi trường được chọn một bộ chứ không thể là mỗi tỉnh/thành một bộ như quy định hiện hành. Chỉ có như thế thì chuyện hay/dở của bài thơ “Bắt nạt” và tất cả những bài học khác mới được giải quyết ở một bước tiếp theo – hợp lý và khả dĩ.