|
Mỹ có kế hoạch tịch thu 300 tỷ tiền gửi của Ngân hàng Trung ương Nga ở Mỹ và châu Âu chuyển cho Ukraine (Ảnh: Chinatimes) |
Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào năm ngoái, Mỹ, EU và Nhật Bản đã phong tỏa tài sản của Nga tại các quốc gia này. Tờ New York Times ngày 21/12 đăng tải bài viết cho hay chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu đàm phán khẩn cấp với các đồng minh về việc sử dụng số tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Các cuộc thảo luận giữa các bộ trưởng tài chính, các nhà ngoại giao và luật sư ngày càng diễn ra sôi nổi trong những tuần gần đây. Mỹ đang gây áp lực buộc Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản, yêu cầu họ đề xuất sử dụng các tài sản của Nga trước ngày 24/2/2024.
Bài viết cũng cho rằng việc tịch thu số tiền khổng lồ như vậy từ một quốc gia có chủ quyền khác sẽ là điều chưa từng có và hành động như vậy có thể gây ra những hậu quả khó lường về kinh tế và pháp lý.
Theo tờ Lenta.ru của Nga, Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov ngày 21/12 nói, nếu tài sản của Nga bị phương Tây tịch thu, Nga sẽ đáp trả tương tự. Tờ Financial Times của Anh ngày 22/12 đã đăng một bài xã luận, phản đối kế hoạch của Mỹ, cho rằng nó "có thể tạo tiền lệ xấu và làm suy yếu cấu trúc tài chính toàn cầu". Bài báo cho rằng nhiều nước EU bao gồm Pháp, Đức…không hài lòng với kế hoạch của Mỹ.
Phần lớn trong số 300 tỉ USD nằm ở châu Âu
Theo New York Times, chỉ một phần nhỏ tài sản ở nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga (ước tính khoảng 5 tỉ USD) nằm trong tay các tổ chức của Mỹ, nhưng phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga lại được cất giữ ở Mỹ và châu Âu dưới dạng USD. Tờ báo cho hay, Mỹ có quyền giám sát các giao dịch liên quan đến tiền tệ của mình và lợi dụng các biện pháp trừng phạt để đóng băng tài sản bằng USD. Phần lớn tiền gửi của Nga đều ở châu Âu, bao gồm Thụy Sĩ và Bỉ, những nước không thuộc G7.
Hãng Sputnik của Nga ngày 22/12 đưa tin, sau khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga chống lại Ukraine, Liên minh châu Âu và Nhóm G7 đã phong tỏa gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga, tổng trị giá khoảng 300 tỉ euro. Khoảng 200 tỉ euro trong số đó nằm ở EU, chủ yếu trong tài khoản Euroclear của Bỉ, một trong những hệ thống thanh toán và thanh toán bù trừ lớn nhất thế giới. Euroclear cuối tháng 10/2023 báo cáo rằng họ đã kiếm được khoảng 3 tỉ euro tiền lãi từ các khoản đầu tư vào tài sản của Nga trong 9 tháng đầu năm 2023.
Việc Mỹ xem xét tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga chuyển cho Ukraine ngày càng trở nên cấp bách hơn do sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa đối với Ukraine ngày càng suy giảm và Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận về cung cấp viện trợ mới cho Ukraine trước cuối năm nay.
Tờ Financial Times của Anh mới đây đưa tin rằng trước đây chính quyền Biden không công khai ủng hộ ý tưởng này, nhưng gần đây đã thay đổi quan điểm và cho rằng việc sử dụng tài sản của Nga là khả thi và "phù hợp với luật pháp quốc tế".
"Đi quá giới hạn"
Chính quyền Joe Biden không đưa ra phản hồi rõ ràng về các cuộc đàm phán liên quan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Miller ngày 19/12 nói: "Chúng tôi đã nghiên cứu chủ đề này và vẫn còn một số vấn đề về hoạt động và pháp lý". John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ngày 21/12 cho biết Mỹ cho rằng còn quá sớm để nói về khả năng sử dụng tài sản chủ quyền của Nga bị phong tỏa để giúp đỡ Ukraine.
Cũng có sự phản đối kế hoạch này ở chính nước Mỹ. Tờ New York Times viết, một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt là tìm ra cơ sở pháp lý đáng tin cậy. Một số quan chức cấp cao cũng lo ngại nếu Mỹ mở ra tiền lệ tịch thu tài sản của Nga, các nước trên thế giới sẽ do dự về việc gửi tiền vào Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York hoặc giữ đồng USD.
Tờ Financial Times cho rằng việc phong tỏa tài sản của Nga là một cách tốt để siết chặt khả năng cấp tiền cho chiến tranh của nước này. EU có kế hoạch tận dụng lợi nhuận bất ngờ được tạo ra bằng cách nắm giữ những tài sản này, nhưng điều này không ảnh hưởng đến quyền sở hữu cơ bản của họ.
"Tuy nhiên, việc tịch thu những tài sản này sẽ vượt quá giới hạn. Các nước như Trung Quốc có thể lo ngại dự trữ bằng euro hoặc USD không còn an toàn nữa", theo Financial Times. Ngoài ra, nếu các nước G7 tạo ra một cơ chế đặc biệt tịch thu tài sản của Nga, dù đúng hay sai, sẽ được nhiều quốc gia thuộc “phía nam toàn cầu” coi là một ví dụ khác về việc các nước giàu có “điều chỉnh luật lệ” theo lợi ích của mình.
Lời cảnh báo từ Nga
Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và EU không được theo đuổi tài sản ở nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga và đã đưa ra nhiều cảnh báo về biện pháp đáp trả.
Theo tin của Lenta.ru ngày 21/12, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết tài sản của một số tài khoản loại "C" do pháp nhân và cá nhân nước ngoài mở ở Nga hiện đã bị Nga phong tỏa. Nếu các “quốc gia không hữu nghị” có quyết định tương tự đối với tài sản của Nga, Nga có thể đáp trả bằng cách tương tự.
Theo các báo, thống kê trước đây của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy, số tiền trong tài khoản loại "C" ở Nga vào tháng 11/2022 đã vượt quá 280 tỉ rúp (2,545 tỉ USD). Theo ước tính, đến mùa xuân năm 2023, số tiền này đã lên tới một nghìn tỉ rúp (9,09 tỉ USD).
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov ngày 22/12 cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Interfax của Nga rằng việc tịch thu và sử dụng tài sản của Nga, cũng như sự leo thang đối đầu giữa Moscow và Washington, có thể dẫn đến việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Tờ Moscow Komsomoletskya cho biết, chính quyền châu Âu đã đưa ra quyết định tịch thu tài sản của Nga về nguyên tắc và vấn đề bây giờ chỉ là hợp pháp hóa quyết định này. Lấy tiền của người khác là việc người phương Tây ưa thích, vụ bê bối Anh chiếm đoạt vàng dự trữ của Venezuela vẫn chưa lắng xuống, khả năng cao là Mỹ và châu Âu sẽ thực hiện “phương án tiêu cực” chống lại Nga.
Theo NetEasy