Tranh cãi nóng về đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam

(VietTimes) –Đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, đất của Bộ Xây dựng tiếp tục gây nóng trên các diễn đàn bất động sản. Đây không phải lần đầu giải pháp này được đề cập đến mà từng thảo luận nhiều lần, song vẫn chỉ dừng lại ở dự kiến.

Tranh cãi nóng về đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, đất. Ảnh: Lệ Chi
Tranh cãi nóng về đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, đất. Ảnh: Lệ Chi

Lại đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, đất

Trong báo cáo vừa gửi Văn phòng Chính phủ về nguyên nhân bất động sản tăng giá thời gian qua, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Bộ Tài chính được kiến nghị cùng nghiên cứu, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng.

Đề xuất của Bộ Xây dựng đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Cơ quan này cho biết nhân tố góp phần đẩy giá nhà tăng cao thời gian qua có sự góp mặt của một số chủ đầu tư, nhóm nhà đầu tư, đầu cơ và môi giới bất động sản.

Bộ này dẫn chứng tại một dự án thấp tầng ở tỉnh Hưng Yên, vào thời điểm thị trường sôi động, ngoài giá bán của chủ đầu tư khoảng 7-8 tỷ đồng một căn, khách mua còn phải trả thêm tiền chênh khoảng 750 triệu đồng, tương đương 10%. Tuy nhiên, khi thị trường hạ nhiệt, khoản chênh này cũng giảm xuống còn 250 triệu đồng…

Được biết, đây không phải lần đầu giải pháp đánh thuế bất động sản thứ hai được nêu ra. Thực tế, đề xuất này được Bộ Tài chính đề cập vào năm 2009. Đến năm 2018, Bộ Tài chính cũng từng lấy ý kiến góp ý dự án Luật thuế tài sản với đối tượng chịu thuế chính là đất, nhà - công trình xây dựng trên đất… Do không nhận được sự đồng thuận nên đành “gác” lại.

Đến tháng 3/2022, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản.

Hơn một năm sau đó, cử tri TP.HCM tiếp tục đề nghị đánh thuế với nhà thứ hai và áp thuế cao hơn với nhà đất bỏ trống, không thu được giá trị từ đất.

Hay gần đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.

Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, trong đó có nội dung áp thuế đối với nhà thứ hai, nhà đất bỏ trống. Dự án luật này dự kiến bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Hiện các đề xuất này vẫn dừng lại ở dự kiến.

Giá nhà liệu có giảm?

Trao đổi với VietTimes về đề xuất của Bộ Xây dựng mới đây, ThS. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản - cho rằng, một trong nguyên nhân khiến giá nhà, đất leo thang là hiện tượng đầu cơ, găm giữ với tư duy “không gì giàu bằng buôn đất”, được hậu thuẫn bởi ngân hàng.

Theo ông Đỉnh, đây là tệp khách hàng “VIP” của giới nhà băng do khoản vay luôn có thế chấp bằng nhà, đất - vốn được cho là hầu như luôn tăng giá, ít rủi ro.

“Nhu cầu đầu tư của người dân là chính đáng nhưng khi hiện tượng này ở mức độ cao, trở thành đầu cơ, găm giữ nhà, đất đã làm méo mó thị trường, gây hoang hóa đất đai, làm lãng phí nguồn lực”, vị chuyên gia nói.

dự án nhà ở.jpg
Đánh thuế bất động sản thứ hai, giá nhà liệu có giảm?

Ông Đỉnh nhấn mạnh, việc đánh thuế bất động sản để chống đầu cơ nhất định phải được triển khai. Về lâu dài, việc thu thuế đối với bất động sản là cần thiết, phù hợp thực tiễn, có cơ sở pháp lý cũng như cơ sở chính trị rõ ràng. Nghị quyết 18 của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện thể chế: “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”.

Cũng theo ông Đỉnh, nếu bất động sản phải chịu thuế, nếu thu thập được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà đất để “quy chủ” được, xem tài sản này chính xác là của ai, thì một chuyện tưởng là hoang đường có thể xảy ra: giá nhà, đất sẽ giảm, thậm chí giảm mạnh. Hiện tượng đầu cơ bất động sản sẽ gần như bị ngăn chặn. Ngân hàng cũng sẽ phải tìm kiếm một tệp khách hàng mới thay vì các đại gia buôn đất.

“Giấc mơ cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số… sẽ không thể thành hiện thực nếu buôn đất vẫn được coi là ngành nghề sinh lời chủ lực. Đánh thuế là để cụ thể hóa quan điểm “nhà là để ở, không phải để đầu cơ” và chỉ khi đó, giấc mơ an cư của người lao động mới bớt xa vời”, ông Nguyễn Văn Đỉnh nêu quan điểm.

Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế vĩ mô lại nhìn nhận rằng, việc đánh thuế bất động sản sẽ không thể giải quyết được vấn đề nếu như vẫn tồn tại hành vi tránh thuế, nên chăng có sự phân biệt thuế sử dụng đất nộp hằng năm, ngoài mục đích sử dụng thì mức độ che phủ đất, bê tông hoá bề mặt đất đến đâu.

“Việc làm này giống như một mũi tên trúng nhiều đích, một mặt đánh vào diện tích các ngôi nhà hoặc bỏ hoang, hoặc quá rộng và lãng phí đất (biệt phủ, villla), mặt khác sẽ giúp hạn chế tình trạng bê tông hoá, để đất được thở và thoát nước bề mặt, tăng lượng nước ngầm”, vị này nói và cho biết ở nước ngoài các hè phố hay bãi đỗ xe, đường đi bộ trong công viên phần lớn họ chỉ đặt các viên gạch thoát nước mưa được, chứ không đổ tràn bê tông như Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - cho rằng không nên nói thuế bất động sản chung chung mà xác định từng vấn đề, mục tiêu và cách thức, bởi thuế bao giờ cũng là công cụ điều tiết vĩ mô “nhạy cảm” và hiệu lực nhất.

“Chẳng hạn, trong điều kiện Việt Nam có thể cân nhắc đánh thuế đầu cơ lướt sóng, tức nếu chuyển nhượng càng nhanh sau khi mua thì sẽ bị đánh thuế càng cao, nhưng sẽ không đánh thuế này sau 3 hay 5 năm chẳng hạn. Ngoài ra, nếu bất động sản bị để không thì có thể đánh thuế trên giá trị nhưng nếu đưa vào khai thác thì chỉ còn chịu thuế kinh doanh”, vị luật sư đề xuất.