Trách nhiệm của người trí thức và cơ sở khoa học của cơ quan quản lý

Đào Trung Thành
Đào Trung Thành

Chuyên gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhân việc Thông tư 32 cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học, rất cần nhìn lại trách nhiệm của người trí thức và cơ sở khoa học khi ra quyết định của cơ quan quản lý.

“L'intellectuel est quelqu'un qui se mêle de ce qui ne le regarde pas” - J.P.Sartre. Có thể hiểu là “Trí thức là kẻ hay xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến mình.”

“Không liên quan” ở đây là không liên quan đến lĩnh vực tri thức mà anh ta thực hành. Sartre cho rằng người được xem là “Intellectuel engagé” (trí thức dấn thân) buộc phải vượt qua thân phận một chuyên viên thuần túy để can đảm bước vào lĩnh vực đòi hỏi trách nhiệm lên tiếng của mình. Trước đây, tôi cũng từng quan niệm rằng chỉ cần làm tốt việc mình, việc khác có Đảng và Chính phủ lo (“Aide-toi, le ciel t'aidera”, “God helps those who help themselves”).

Can đảm trí thức là dám chấp nhận phán xét của người khác về các phán đoán của mình. Khi bước ra khỏi khu vực chuyên môn, lĩnh vực thẩm quyền của mình, người trí thức rất dễ có những phán đoán sai lầm và như vậy cái uy tín của anh ta tổn hại ít nhiều. Tôi cũng khá nhạc nhiên nhiều người rất thích “tỏ ra nguy hiểm”, việc gì cũng có ý kiến. Thực ra, theo tôi, càng có ít phán đoán lợi ích càng nhiều hơn, lại đỡ mệt đầu, phiền phức.

Nhưng món nợ tin tưởng của người khác, công lao nuôi nấng của nhân dân, người trí thức với tư cách là “lương tâm của thời đại”, không thể ngoảnh mặt trước những vấn đề của cuộc sống đồng loại. Tất nhiên, phát biểu với tư cách một trí thức đòi hỏi sự thận trọng, suy nghĩ bằng tất cả trách nhiệm trí thức của mình, nghĩa là có chiều sâu, toàn diện, dũng cảm và khoan dung với những ý kiến khác biệt.

Ông Đào Trung Thành
Trước một vấn đề phức tạp mà đúng sai, lợi hại còn chưa rõ ràng thì chúng ta sẽ làm thế nào?

Tôi quan tâm đến chủ đề gây xôn xao dư luận về việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học. Đọc khá nhiều ý kiến nhưng thú thực không dám nhận đã hiểu rõ toàn diện vấn đề. Một nghịch lý dẫn đến sự âu lo của trí thức là không đủ các thông tin nhưng buộc phải có quan điểm để chỉ đạo hành động.

Ở đây, đặt ra một vấn đề về phương pháp luận. Trước một vấn đề phức tạp mà đúng sai, lợi hại còn chưa rõ ràng thì chúng ta sẽ làm thế nào? Thiển nghĩ, trước hết cần phải tranh luận cái đã, mỗi bên đưa ra các lập luận, dẫn chứng để làm sáng tỏ và phong phú thêm đề tài với tất cả sự tôn trọng ý kiến khác biệt. Nhưng sau đó thì cũng phải hành động và quyết định, điều đó thuộc thẩm quyền của nhà quản lý. Nhưng người ta có quyền đòi hỏi về cơ sở khoa học của các quyết định để xem nhà quản lý đã thận trọng và bảo vệ lợi ích của người đóng thuế chưa.

Với vấn đề giáo dục lại càng phải thận trọng hơn nữa vì nó ảnh hưởng cả một thế hệ. Cho nên nếu như lợi không hơn hại thì các quyết định sẽ cần cân nhắc và hoãn thực hiện.

Thực ra Thông tư 32 tại Khoản 4 Điều 37 có quy định liên quan đến việc “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp khi không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viện cho phép”, Bộ Giáo dục đã giao quyền chủ động cho trường và giáo viên trong việc quyết định. Tuy nhiên, nếu cả trường và giáo viên đều có nhận thức chưa đầy đủ và quyết định của họ gây hậu quả thì thế nào? Đó cũng là vấn đề cần suy nghĩ.

Từ ngày 1.11.2020, học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại di động trong giờ học để phục vụ học tập. Ảnh: DLV
Từ ngày 1/11/2020, học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học để phục vụ học tập. Ảnh: DLV

Hôm nọ đọc suy nghĩ của một người bạn về việc giáo dục con cái trong đó anh kết luận: “Trưởng thành và hoàn thiện chính là sự kết hợp của can đảm tự thân với một tâm hồn tự do. Cuộc đời tốt nhất là không ai phải bao cấp cho ai, kể cả suy nghĩ và sự lựa chọn trong cuộc đời.” Tất nhiên tôi đồng tình với quan điểm này khi cho rằng con người cần phải phát triển hoàn thiện, thực hiện cái dự phóng (project) của đời mình trong một tinh thần tự do. Tuy nhiên, anh lại đưa ra một ví dụ khiến tôi khó đồng tình về việc con anh xếp hạng cuối cùng và anh không cho rằng mình có trách nhiệm gì trong việc ấy.

Trẻ em là những cá nhân vị thành niên, chưa có đầy đủ năng lực và phẩm chất để đảm đương những lựa chọn của cuộc đời. Chính vì thế mà cần có sự giám sát, khuyên bảo và thậm chí cưỡng ép nếu chúng có những biểu hiện hay hành vi nguy hiểm như sử dụng ma túy, chơi bời, giao du với kẻ xấu hay những hành vi vi phạm chuẩn mực xã hội khác. Tất nhiên, không nên lấy những ước vọng dồn nén của cha mẹ mà đem áp đặt lên trẻ em, nhưng cũng không thể để chúng hoàn toàn tự do thiếu sự giám sát. Tất cả sự thất bại của chúng suy cho cùng người làm cha mẹ đều có phần trách nhiệm, không thể trốn chạy.

Tuy nhiên, điều đáng tranh luận lại ở phương pháp tư duy. Anh bạn tôi vẫn theo kiểu tư duy siêu hình, kiểu đánh giá một “con người phổ quát”, một con người trừu tượng thoát ly khỏi các hoàn cảnh và không chú ý đến tâm sinh lý lứa tuổi. Con người trưởng thành khác con người vị thành niên, con ông A, khác con bà B và nhận định về một người cụ thể phải xem xét cụ thể theo hoàn cảnh.

Theo phương pháp biện chứng, Karl Marx đã nêu lên một luận đề nổi tiếng trong tác phẩm Luận cương về Feuerbach (Phoiơbắc): "Bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng cố hữu ở mỗi cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội". Luận đề trên khẳng định, rằng không có con người trừu tượng, thoát ly mọi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử xã hội. Con người luôn luôn cụ thể, xác định, sống trong một điều kiện lịch sử cụ thể nhất định, một thời đại nhất định.

Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của trí thức trong tình hình ngày nay, dám đưa ra quan điểm và chịu trách nhiệm cho phát ngôn của mình. Về phía cơ quan quản lý, tôi muốn thẳng thắn đặt ra vấn đề phương pháp luận khoa học trong việc ra quyết định và nêu cao tính lợi ích của biện chứng pháp duy vật chống lại quan điểm siêu hình, trừu tượng mà một số người vô tình hay hữu ý mắc phải.