Thời CNTT liệu có thể không cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không cấm mà cũng chẳng cho phép, Thông tư 32 đã trao quyền giám sát cho thầy cô và nhà trường với việc học sinh sử dụng điện thoại di động?  
Không cấm mà cũng chẳng cho phép, Thông tư 32 đã trao quyền cho thầy cô và nhà trường cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Ảnh: TT
Không cấm mà cũng chẳng cho phép, Thông tư 32 đã trao quyền cho thầy cô và nhà trường cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Ảnh: TT

Không cấm nhưng không cho phép

Mặc dù nhiều hiệu trưởng cho biết là ngành giáo dục còn chưa có hướng dẫn cụ thể về quy định cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp để tham khảo thông tin, nhưng rõ ràng, tại Thông tư 32 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Hữu Độ ký ban hành ngày 15/9/2020 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 đã ghi rõ:

Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” (Trích Điều 37 “Các hành vi học sinh không được làm).

Theo phân tích của các chuyên gia và nhiều phụ huynh thì Điều 37 Thông tư 32 đã gián tiếp cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp học. Trong khi thực tế được các thầy cô phân tích, học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học ở những lứa tuổi chưa thật sự hình thành nhân cách xã hội đầy đủ sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường.

Ông Đào Trung Thành, chuyên gia CNTT, nói về việc có nên cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp

Ông Đào Trung Thành, chuyên gia CNTT, nói về việc có nên cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp

Trao đổi với VietTimes, ông Đào Trung Thành - chuyên gia Công nghệ thông tin phát biểu: “Hiện có 2 luồng dư luận ủng hộ và chống lại việc dùng điện thoại trong trường học. Mỗi bên đều đưa lý lẽ của mình. Có vẻ như khó đạt được sự đồng thuận. Theo tôi, việc sử dụng điện thoại có cả hai mặt lợi và hại như đã nêu. Vậy thì sẽ cần cân nhắc xem lợi hay hại và nếu như lợi bất cập hại thì có nên áp dụng?”

“Đứng ở dưới góc độ quản lý giáo dục, tôi đặt câu hỏi cho nhà quản lý là cơ sở cho việc ra Thông tư 32 thế nào? Có nghiên cứu về ích lợi và tác hại của đưa điện thoại vào trong lớp học hay chưa? Hoặc chỉ cảm tính hoặc duy ý chí? Có tham khảo kinh nghiệm các nước tiên tiến chưa? Kinh nghiệm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp ở Úc, Anh, Canada, Pháp, Hy Lạp,... Thực tế là rất nhiều nước đã từng cho phép và sau lại ra lệnh cấm” – Ông Đào Trung Thành nói.

“Mục 4 điều 37 của Thông tư 32 là sự trao quyền cho nhà trường và giáo viên trong việc định nghĩa thế nào là hành vi học tập để được sử dụng điện thoại di động. Theo tôi hiểu thì Điều 37 Thông tư 32 có thể hiểu là không cấm mà cũng không cho phép!” – Ông Đào Trung Thành kết luận.

Cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp khiến phụ huynh hoang mang, lo lắng - Ảnh: PLVN
Cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp khiến phụ huynh hoang mang, lo lắng - Ảnh: PLVN


Giáo dục không đơn thuần là ra lệnh cấm

“Trước đây Bộ Giáo Dục có quy định tại Điều 41 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ban hành ngày 28/3/2011, Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và phổ thông. Trong đó: Các hành vi học sinh không được làm: “Làm việc khác; sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục….” (Trích Điều 41 Thông tư 12).  Tôi cho rằng quy định như Điều 41 Thông tư 12 là đúng, rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện” – Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) giải thích. 

Thế nhưng thông tư 12 sẽ hết hiệu lực ngày 1/11/2020 và thay thế bởi thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành ngày 15/9/2020 có hiệu lực từ ngày 1/11/2020. Theo đó Điều 35 Quyền của học sinh được sử dụng trang thiết bị phương tiện phục vụ các hoạt động học tập. Và tại Khoản 4 Điều 37 có quy định liên quan đến việc “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp khi không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viện cho phép” gây tranh cãi nhiều ngày nay.

“Nghe thì có vẻ bức xúc vì tại sao có những điều tưởng như đúng rồi nhưng lại phải thay đổi. Nhưng thực tế là hiện nay xã hội đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế cả về kinh tế và sự phát triển của ngành công nghệ thông tin. Tôi cho rằng việc việc Bộ Giáo dục ban hành Thông tư 32 là phù hợp với xu thế. Bộ trao quyền cho giáo viên và nhà trường quyết định, giờ nào cần học thì học sinh có phương tiện để sử dụng cho mục đích học tập, tùy thuộc vào từng môn học, từng tiết học và nhu cầu cần thiết của môn học đó” – Luật sư Bùi Quốc Tuấn nói.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) trao đổi về việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học (Ảnh: HB)
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) trao đổi về việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học (Ảnh: HB)


“Chúng ta phải hiểu xuất phát từ nhu cầu sử dụng điện thoại hiện nay, đặc biệt là đối với các em học sinh từ bậc Phổ thông cơ sở (cấp 2 trở lên). Các con dùng điện thoại để tương tác với cha mẹ, với thầy cô… là cần thiết, nó là phương tiện học tập, tìm hiểu kiến thức, phù hợp với các môn học cho phương tiện này là phù hợp. Nhà trường có quyền cấm sử dụng điện thoại trong giờ khác khi nhu cầu không cần thiết, tức hạn chế”- Luật sư phân tích.

“Như trước đây chúng ta cứ không quản lý được là cấm, nhưng hiện nay xu thế xã hội tiến bộ khác xa thời kỳ trước, nên để các con tự học hỏi, tự trao đổi kiến thức qua các phương tiện tốt nhất. Hãy nhìn vào mặt tích cực, dần dần chúng ta sẽ quen và thực hiện được tốt hơn” – Luật sư Tuấn nói thêm.

Luật sư Tuấn đưa quan điểm: “Giáo dục hiện nay không chỉ đơn thuần là ra một lệnh cấm và bắt tất cả phải làm theo. Tôi cho rằng nếu thực hiện đúng được yêu cầu của Thông tư 32, tăng trách nhiệm giám sát của giáo viên thì điện thoại thông minh sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực trong học tập và tìm thông tin cần thiết trong thời đại hiện nay”.