|
Đại diện Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bàn giao kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Ảnh: Minh Thúy) |
Đẩy nhanh quá trình giám định ADN
Ông Đào Ngọc Lợi – Cục Trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – cho biết: Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, hàng triệu người con đất Việt đã hy sinh, trong đó, có khoảng 200.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính, chưa tìm kiếm được hài cốt. Phương pháp ADN là phương pháp khoa học có kết quả cao trong việc định danh hài cốt, tìm kiếm thông tin. Từ năm 2011, Viện Công nghệ Sinh học đã được Chính phủ giao tìm kiếm hài cốt của các liệt sĩ.
|
Ông Đào Ngọc Lợi – Cục Trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Ảnh: Minh Thúy)
|
Viện Công nghệ Sinh học đã phối hợp cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy hài cốt ở các nghĩa trang theo nguyện vọng của đồng đội, giải mã được rất nhiều hệ gen của thương binh, liệt sĩ để lưu trữ trong ngân hàng ADN.
Bằng nỗ lực không mệt mỏi, Trung tâm giám định ADN đã tìm được thông tin, danh tính của rất nhiều liệt sĩ làm cơ sở để xác định danh tính của hàng nghìn liệt sĩ khác trong những năm tiếp theo.
Ông Lợi nhấn mạnh: “Hiện, hài cốt liệt sĩ đã chôn cất nhiều năm nên việc phân tích để tìm ra kết quả chính xác để rất khó khăn. Nếu không đẩy nhanh quá trình giám định ADN thì nhiều thân nhân liệt sĩ sẽ không thể sớm tìm thấy người thân của mình.”
Hạnh phúc rơi nước mắt khi tìm thấy anh trai
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Tế - thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Đới - chia sẻ: “Để tìm kiếm anh trai, tôi đã đến rất nhiều nghĩa trang với hy vọng tìm thấy thông tin. Tôi đã 23 lần đi Hà Nội, 19 lần vào Thanh Hóa để nhờ các cơ quan chức năng giúp đỡ. May mắn được ông Đào Ngọc Lợi – Cục Trưởng Cục Người có công hỗ trợ, đồng ý cho phép giám định ADN, tôi đã vào Thanh Hóa để khai quật mộ của anh trai. Những người cùng đi bộ đội, cùng bị bắt với anh trai tôi đều khẳng định ông Đới mà được tìm thấy thì sẽ bị mẻ 1 chiếc răng. Vì thế, khi thấy mộ anh trai, Trung tâm giám định ADN đã lấy mẩu xương về để giám định. Sau 2 lần giám định không thành công do xương mục, lần thứ 3 tôi đã đến Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam để giám định. Sau 3 tháng cho kết quả chính xác là anh trai tôi, gia đình tôi vô cùng phấn khởi, hạnh phúc rơi nước mắt”.
|
Ông Nguyễn Xuân Tế - thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Đới (Ảnh: Minh Thúy)
|
Ông Tế tâm sự: “Mặc dù anh trai tôi đã mất hơn 60 năm nhưng đã tìm lại được hài cốt, được trả lại danh hiệu liệt sĩ, gia đình tôi vô cùng hạnh phúc.”
Theo ông Phí Quyết Tiến – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học - từ tháng 7/2019 đến nay, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Cục Người có công để tiếp tục lấy mẫu giám định hài cốt liệt sĩ tại một số Nghĩa trang Liệt sĩ trên cả nước (Vị Xuyên, Sông Mã, Việt Lào,…), thu thêm 389 mẫu. Từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2020, Trung tâm tiến hành phân tích 2.870 mẫu hài cốt liệt sỹ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân. Kết quả thu được 669 trường hợp mẫu hài cốt cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh đối khớp.
|
Ông Phí Quyết Tiến – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Ảnh: Minh Thúy)
|
Trung tâm cũng triển khai nghiên cứu để tối ưu hóa quy trình giám định trên các hệ máy sẵn có của Trung tâm nhằm tăng công suất tách chiết và phân tích từ 60 mẫu/tháng (2018) lên 400 mẫu/tháng (2020) tương ứng 96 mẫu/tuần.
Với tư cách là viện nghiên cứu chuyên ngành, viện luôn cố gắng nâng cao chất lượng, số lượng hài cốt để giám định bằng công nghệ mới, hệ thống giải trình tự gen thế hệ mới. Thời gian tới, Viện sẽ mở rộng việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ, giúp trả lại tên cho những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Trung tâm giám định ADN – Viện Công nghệ sinh học là 1 trong 3 trong đơn vị chủ chốt được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh cho các mẫu hài cốt liệt sĩ (Đề án 150), bên cạnh Viện Pháp Y Quân đội (Bộ Quốc Phòng) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Trung tâm được khai trương vào ngày 25/7/2019. Sau 1 năm đi vào hoạt động (7/2019-7/2020), các cán bộ của Trung tâm đã làm chủ toàn bộ hệ thống thiết bị và hoàn thiện công nghệ. Đến nay, Trung tâm đã tối ưu hóa và xây được quy trình tách chiết ADN từ các mẫu xương, mẫu răng. Bên cạnh nhiệm vụ phân tích mẫu ADN hài cốt, Trung tâm còn xây dựng 4 cơ sở dữ liệu các dân tộc Kinh, Mông, Ê Đê, Tu Dí nhằm phục vụ cho công tác giám định và tăng độ chính xác cho các kết quả giám định. Trước đại dịch COVID-19, trong đợt giãn cách xã hội Trung tâm đã tham gia giải mã toàn bộ trình tự gen virus SARS- CoV-2 trong 4 ngày từ hệ máy giải trình tự sẵn có của Trung tâm. Với công nghệ giải trình tự thế hệ 3 của Trung tâm, hệ gen virus có thể được giải mã và lắp ráp mà không cần hệ gen tham chiếu đáp ứng được khả năng ứng biến khi có một dịch bệnh mới do virus gây ra mà không phải chờ đợi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. |