Thông tin trên báo Lao Động cho biết về một số trường hợp điển hình. Từ ngày 20/8/2021 - 20/11/2021, anh Trần Lê Huy Linh (ngụ Quận 12, TP.HCM) tham gia tình nguyện viên dưới sự phân công của Trung tâm Y tế Quận 1 và được UBND Quận 1, TPHCM ký hợp đồng 3 tháng với mức phụ cấp 300.000 đồng/ngày. Anh Huy Linh nhận được 14.690.000 đồng.
Sau khi kết thúc hợp đồng 3 tháng, anh Linh tiếp tục ký hợp đồng lần 2 từ ngày 20/11/2021 đến 20/5/2022, làm việc tại Trạm Y tế phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM. Đến ngày 7/4/2022, HĐND TPHCM điều chỉnh mức phụ cấp cho tình nguyện viên là 130.000 đồng/ngày.
Thế nhưng, những ngày làm việc tiếp tục, anh Linh không nhận được bất cứ phụ cấp nào. Khi hỏi UBND Quận 1, TPHCM thì được hướng dẫn làm việc với Trung tâm Y tế Quận 1. Nhưng tất cả chỉ nhận lại được câu trả lời là chờ.
“Tôi làm việc và ký với UBND Quận 1, nhưng thực tế khi hỏi tiền phụ cấp thì các đơn vị đùn đẩy cho nhau và cuối cùng tôi được Trung tâm Y tế Quận 1 nói chờ vì là cơ chế chung. Làm việc lúc đầu chúng tôi không nghĩ ngợi gì về tiền bạc, nhưng đã có hợp đồng ký và ngân sách phê duyệt thì UBND Quận 1 ký phải có trách nhiệm hoàn tiền cho tôi” - anh Linh bức xúc.
Còn trường hợp của anh V.H – sinh viên điều dưỡng của Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM) tham gia hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 từ ngày 16/8/2021 đến 21/1/2022. Như hàng ngàn tình nguyện viên khác, anh bước vào đại dịch không nghĩ đến chuyện đi để được gì.
Sau thời gian tham gia chống dịch, chăm sóc tận tình cho người bệnh, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 duy trì sứ mệnh đến ngày 30/3/2022 rồi chính thức ngưng hoạt động. Thế nhưng, tình nguyện viên vẫn mòn mỏi gõ cửa nhiều nơi để hỏi tiền phụ cấp.
Theo anh V.H, trong 6 tháng chống dịch, anh nhận được hơn 6 triệu đồng là phần hỗ trợ cho tháng 8/2021. “Từ tháng 9 trở đi, chưa có bất kỳ ai nhận được khoản phụ cấp nào. Chúng tôi thắc mắc nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy (phụ trách Bệnh viện Hồi sức COVID-19) đáp là tiếp tục chờ đợi.
Tôi hiểu hơn 1.000 tình nguyện viên ở đây đều tự nguyện tham gia, nhưng các nghị quyết của Chính phủ đã quy định có phần hỗ trợ này. Chúng tôi là người ở TPHCM, thiệt thòi là một chuyện, nhưng còn hàng trăm y bác sĩ từ Bắc vào Nam đã giúp TP. chống dịch mà đáp lại cũng vẫn là sự im lặng” - anh bức xúc.
Tình nguyện viên đi từng ngõ hẻm, đến từng chung cư lấy mẫu cho người dân |
Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (quận Gò Vấp, TPHCM) là một trong số hàng nghìn tình nguyện viên của TP.HCM tham gia chống dịch được 4 tháng. Thời điểm làm công việc tình nguyện, chị Tú cùng mọi người đi truy vết ổ dịch, test lấy mẫu cộng đồng, hỗ trợ điều phối tại điểm tiêm vaccine… ở nhiều quận tại thành phố như Quận 1, Quận 3, Quận 12, quận Gò Vấp.
“Khi mình đi tình nguyện, mình đã bỏ qua sức khỏe bản thân và gia đình để làm, chứ không đi làm vì tiền, dù ở nhà, người thân cũng hỏi về việc Chính phủ có phụ cấp cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có tình nguyện viên. Nhưng sau quá trình làm, duy nhất ở Quận Đoàn 1 trực thuộc Quận 1 TPHCM, hỗ trợ hơn 1 triệu đồng, còn những quận khác mình làm dù có ghi danh sách và nói có phụ cấp, nhưng đến giờ mình vẫn chưa nhận được và cũng không biết hỏi ai để nhận được số tiền này”, chị Cẩm Tú chia sẻ.
Tương tự, chị D.T (quận Bình Thạnh, TPHCM) là một trong số những tình nguyện viên tham gia chống dịch từ đầu mùa dịch thứ 4, ở các Quận 1, Quận 3, Quận 11... Khi được hỏi về tiền hỗ trợ trong suốt hơn 3 tháng tham gia chống dịch, chị T cho biết: “Mình không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào từ các quận, khi nghe tin Chính phủ có trợ cấp cho tình nguyện viên nhưng thời điểm đó chỉ biết làm chứ không nhận được gì”.
Cũng theo chia sẻ của nhiều tình nguyện viên, trong suốt mùa dịch khi các hội nhóm tình nguyện cả trên Facebook và zalo có tin nhắn thông báo cần tình nguyện viên hỗ trợ ở những địa điểm cần người, tất cả mọi người đều rất nhiệt tình, thậm chí tự bỏ tiền cá nhân để trang bị quần áo, bảo hộ đi làm việc. Nhưng mọi khoản phụ cấp đều chưa nhận được, mà cũng chỉ là nghe từ người này nói người kia.
Thông tin thêm về vấn đề này, tại phiên họp Hội nghị sơ kết tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của UBND TP.HCM ngày 29.6, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng đã chia sẻ về việc kinh phí khen thưởng cho nhân viên y tế chống dịch hiện đang bị nghẽn.
Trong thời gian dịch COVID-19 tại TP.HCM, có khoảng 40.000 nhân viên y tế và tình nguyện viên cả nước đến hỗ trợ TPHCM chống dịch COVID-19 đến nay vẫn chưa nhận được tiền khen thưởng. Dự kiến tổng số tiền là 19 tỉ đồng.
Ông Tăng Chí Thượng cho hay, UBND TP.HCM đã giao cho Sở Y tế tổ chức tặng giấy khen cho khoảng 40.000 nhân viên y tế, tình nguyện viên trên cả nước đã đến TP giúp chống dịch. Sở Y tế đã làm xong nhưng kinh phí khen thưởng đến nay vẫn chưa thấy.
"Đến nay, gọi cho Ban Thi đua - Khen thưởng thì nói là không có kinh phí. Gọi Sở Tài chính thì nói chỉ cấp cho Ban Thi đua - Khen thưởng. Gọi lại thì Ban Thi đua - Khen thưởng nói chỉ cấp bằng khen. Hiện nay các địa phương cũng đang chờ", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng trình bày.
(Tổng hợp)