Bí thư Thành ủy TP.HCM: Nghiêm khắc phê bình một số địa phương chủ quan với sốt xuất huyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nghiêm khắc phê bình một số địa phương còn chủ quan trong phòng chống sốt xuất huyết và chỉ rõ nếu để xảy ra dịch, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp
Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp

Không chủ quan với dịch bệnh

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về tình hình kinh tế, xã hội TP.HCM 6 tháng đầu năm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ghi nhận TP đã có nhiều chỉ số tăng trưởng cao; niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp nhờ đó cũng tăng lên. Nhưng bên cạnh đó, TP còn nhiều nỗi lo, thách thức, đặc biệt là vẫn đang phải đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng: “Dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường. Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang đe dọa sự quay trở lại của dịch bệnh, mà bài học từ biến chủng Delta là ví dụ. Dịch sốt xuất huyết tưởng bình thường, nhưng không bình thường ở thời điểm này, khi dù mới đầu vụ dịch nhưng số ca đã tăng cao. Nếu chúng ta không phòng ngừa tốt, thì sẽ bùng dịch. Thành ủy đã quán triệt đến Sở Y tế và từng địa phương nhưng đến nay, một số địa phương vẫn chưa triển khai.

"Nghiêm khắc phê bình một số địa phương còn chủ quan trong phòng chống sốt xuất huyết. Nếu để xảy ra dịch, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn đang tăng nhanh trên địa bàn TP.HCM
Bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn đang tăng nhanh trên địa bàn TP.HCM

Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp

Cũng tại hội nghị trên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ lưu ý UBND TP quan tâm đến việc kiểm soát giá cả trên thị trường. Trong bối cảnh tác động chung của thế giới, tình hình giá cả tại TP.HCM biến động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng cho rằng, để phục hồi hiệu quả kinh tế - xã hội, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các dự án, trong đó có dự án vành đai 2.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, kinh tế TP.HCM 6 tháng qua đã phục hồi gần đạt mức trước khi xảy ra dịch COVID-19. Đó là tín hiệu vui, thể hiện TP đi đúng hướng; các chính sách phát huy được hiệu quả. Tuy vậy, ông Phan Văn Mãi cũng khẳng định sau dịch, các hoạt động thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh hơn để thu hút đầu tư, phục hồi kinh tế. Đây chính là vấn đề cản trở của 6 tháng đầu năm.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP quan tâm đến kiểm soát lạm phát giá cả
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP quan tâm đến kiểm soát lạm phát giá cả

“Vướng mắc về thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến hấp thu vốn, kể cả giải ngân đầu tư công và hấp thu vốn đầu tư xã hội, khiến cho dòng tiền không chảy được vào sản xuất kinh doanh, không tạo được việc làm, giá trị kinh tế…”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định.

Chính vì vậy, ông Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị, địa phương cần gấp rút tập trung khắc phục, giải quyết tình trạng trên trong 6 tháng cuối năm. Trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp và quan tâm đời sống người dân sau dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra 12 nhóm giải pháp cụ thể.

Rà soát, thực hiện 19 chỉ tiêu HĐND, đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu chi TP; Tính toán, xây dựng lại chỉ tiêu cốt lõi, phù hợp thực tế, tránh không đạt chỉ tiêu; Tổ chức triển khai 49 công trình, đề án; Quyết liệt giải quyết đầu tư công đạt chỉ tiêu; Triển khai các dự án trọng điểm: nhà ở, chống ngập,…

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nêu 12 nhóm giải pháp tập trung thực hiện 6 tháng cuối năm
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nêu 12 nhóm giải pháp tập trung thực hiện 6 tháng cuối năm

Tập trung cho các ngành công nghiệp phát triển chậm trong 6 tháng đầu năm; Thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống công quyền; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dịch vụ công;

Quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; Tập trung tổ chức thành công các kỳ thi, chuẩn bị tốt kế hoạch năm học mới, đặc biệt chú ý đến vấn đề học phí và sách giáo khoa; Kiểm soát dịch COVID-19 và dịch mới phát sinh là sốt xuất huyết; Chăm lo an sinh xã hội trên các lĩnh vực đời sống, lao động, ANTT…

Riêng với TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng cần tập trung đẩy nhanh việc triển khai xây dựng hoàn thành 33 đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.