|
Trong đó, nhiều dự án tham gia chuỗi cung ứng cho Dự án Khu phức hợp của Samsung trong Khu công nghệ cao (CNC) Thành phố Hồ Chí Minh, được khởi công giữa năm vừa qua.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài khía cạnh đóng góp kim ngạch xuất khẩu của thành phố, Dự án của Samsung được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có tri thức cao, phát triển chuỗi cung ứng nội địa; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng, qua đó từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu của thành phố trong tương lai.
Ngày 30/10/2015, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định 50 về việc thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư dự án công nghiệp hỗ trợ tại thành phố trong bốn lĩnh vực công nghiệp trọng yếu và hai ngành truyền thống sẽ được ngân sách hỗ trợ lãi suất vay - tiền đề thúc đẩy thu hút đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong năm 2015, đã có gần 60 nhà đầu tư quan tâm, đến tìm hiểu đầu tư tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, trong số đó đa số là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.
Cùng với những dự án lớn vừa đầu tư, sự góp mặt của 10 thương hiệu hàng đầu thế giới về công nghệ cao hiện đang hoạt động tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là một cú hích để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết những dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia có sức lan tỏa rất lớn đến các nhà đầu tư có khả năng và tiềm lực tham gia vào chuỗi cung ứng, không chỉ thu hút các doanh nghiệp FDI trong nước mà còn cả các doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư. Cùng với những dự án đầu tư riêng, hiện Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã dành hơn 13ha để xây dựng nhà xưởng cao tầng, thu hút các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đang nắm giữ công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.
Tuy vậy, trong thu hút đầu tư, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng những lộ trình nội địa hóa đối với các đơn vị đầu tư vào Khu để đảm bảo phát triển bền vững.
Theo ông Lê Hoài Quốc, tất cả doanh nghiệp đầu tư vào Khu đều phải cam kết thực hiện hoạt động R&D (nghiên cứu phát triển) và chuỗi cung ứng nội địa với lộ trình rất cụ thể. Trong vòng khoảng 3-5 năm, tối thiểu 35% giá trị sản xuất tạo ra được nội địa hóa, có sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng đó. Chính việc chọn lọc rất kỹ trong thu hút dòng vốn FDI cho lĩnh vực này của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, nên chỉ khoảng rất ít dự án đến tìm hiểu đầu tư được lựa chọn, do các tiêu chí khá khắt khe.