|
Lãnh đạo TP.HCM trả lời trong chương trình Dân hỏi Thành phố trả lời tháng 1-2022 |
Theo đánh giá cấp độ dịch, TP.HCM hiện tại đạt cấp độ 1, trở thành vùng xanh. Đối với cấp quận – huyện, TP Thủ Đức có 18/22 địa phương ở TP.HCM ở cấp độ 1 và 4/22 địa phương ở cấp độ 2. Đối với cấp phường – xã – thị trấn có 235/312 địa phương ở cấp độ 1, 74/312 địa phương ở cấp độ 2 và 3/312 địa phương cấp độ 3.
Hiện TP.HCM đang điều trị cho hơn 5.000 bệnh nhân, trong đó có 89 trẻ em dưới 16 tuổi, 319 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Nhiều ngày gần đây, TP.HCM ghi nhận số ca tử vong xuống thấp liên tục, đặc biệt so với giai đoạn 3 tháng trước đó.
Hội đồng Nhân dân TP.HCM (HĐND), Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng với Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) tổ chức chương trình "Dân hỏi -Chính quyền trả lời" tháng 1/2022 với chủ đề "Tết Nhâm Dần - An toàn, tiết kiệm, nghĩa tình".
Đảm bảo bình ổn giá trong dịp Tết
Tại chương trình, trả lời về vấn đề cung ứng hàng hoá dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị số lượng hàng khá lớn, lên đến 19.881 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn là 7.221 tỉ. Với các mặt hàng thiết yếu chiếm tỉ lệ dự trữ từ 20-54% thị phần, TP đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ, kịp thời chi phối, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết.
Ngoài ra, Sở Công thương đã có kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp bình ổn giá thị trường đối với các mặt hàng quan trọng như gia súc, gia cầm, trứng, thịt… nhằm phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm Tết của người dân, Sở cũng sẽ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức khoảng 380 chuyến bán hàng lưu động trên toàn TP.
|
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị lượng hàng khá lớn |
Trước thắc mắc về giá rau củ quả gia tăng, ông Phương cho hay, thời gian dịch bệnh, khi các chợ truyền thống tạm dừng hoạt động, chuỗi cung ứng gặp khó khăn dẫn đến nguồn rau củ trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng vì hiện tại, các nhà vườn đã có thành phẩm cung ứng, giá cả các mặt hàng này sẽ bình ổn trong thời gian tới.
Về phía đơn vị phân phối, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức thông tin, việc đảm bảo nguồn hàng bình ổn, chăm lo Tết cho người dân là hoạt động trọng tâm của đơn vị. Đến nay, Saigon Co.op đã làm việc với các đơn vị chủ lực để bảo đảm mục tiêu bình ổn giá trước, trong và sau Tết. Doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị trên 5.000 tỉ đồng lượng hàng cho Tết Nhâm Dần 2022, trong đó, nhóm hàng bình ổn đã được dự trữ gấp 2-3 lần bình thường.
Nhiều chính sách chăm lo Tết được triển khai
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, dù gặp khó khăn nhưng TP vẫn chuẩn bị kinh phí lên đến 900 tỉ để thực hiện các chương trình chăm lo Tết cho người dân. Nhằm chuẩn bị đón Tết an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình, UBND TP đề nghị các cấp các ngành, các địa phương thực hiện đầy đủ các chương trình chăm lo Tết, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người khó khăn do dịch. Đồng thời, vận động các đơn vị trả lương thưởng sớm để người lao động chủ động mua sắm Tết.
Lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu tăng cường giám sát và nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kế hoạch trả lương và các khoản trợ cấp cho công nhân. Hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp khó khăn và chăm lo cho người lao động, sinh viên không về quê.
|
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho hay, TP chuẩn bị kinh phí lên đến 900 tỉ để thực hiện các chương trình chăm lo Tết cho người dân |
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP Huỳnh Thanh Khiết thông tin thêm, Sở đã tham mưu, trình UBND TP mức quà chăm lo cho các đối tượng người có công, dân nghèo, bảo trợ xã hội cùng kế hoạch đi thăm và tặng quà bổ sung cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, TP sẽ thăm và hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình của lực lượng tuyến đầu phòng dịch không may tử vong. Thăm và hỗ trợ 2 triệu đồng cho lực lượng tham gia tuyến đầu có cha mẹ tử vong do COVID-19. Tổ chức thăm 310 các trạm y tế phường xã, 391 trạm y tế lưu động, 30 bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19, các cơ sở tôn giáo, y tế tư nhân và các doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong công tác phòng dịch.
Riêng việc chi hỗ trợ đợt 3 cho người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo ông Khiết, hiện tại, các quận huyện, TP Thủ Đức đang khẩn trương hoàn thành các gói chi trả trước ngày 15/1.
Cùng với chính quyền và các đơn vị, hệ thống MTTQ các cấp dự kiến huy động hơn 200.000 suất quà trị giá 200 tỷ đồng. MTTQ các cấp cũng tiếp tục vận động xã hội hóa, chuẩn bị hỗ trợ trên 40.000 phần quà trị giá hơn 46 tỷ đồng. So với năm 2021, số tiền chăm lo cho người dân tăng hơn 21 tỷ đồng. Năm nay, MTTQ các cấp cũng phối hợp chăm lo hơn 2.000 trẻ mồ côi và hơn 800 người già neo đơn, đối tượng có người thân mất do dịch COVID-19 trên địa bàn.
“Người dân sẽ đến siêu thị để chọn sản phẩm ngày Tết yêu thích, mỗi phần quà trị giá 400.000 đồng, hỗ trợ trên 25.000 người dân khó khăn, tổng trị giá hỗ trợ của chương trình là hơn 9,5 tỷ đồng”, ông Phạm Minh Tuấn thông tin.
Thông tin về tình hình thưởng Tết Nhâm Dần 2022, ông Huỳnh Thanh Khiết cho hay, theo báo cáo của các doanh nghiệp, mức thưởng cao thường rơi vào các doanh nghiệp thuộc ngành điện, điện tử, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin… Các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, sử dụng lao động giản đơn thường có mức thưởng thấp.
Hạn chế thăm viếng, chúc Tết không cần thiết
|
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân hạn chế thăm, viếng không cần thiết vào dịp Tết |
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm biến thể mới Omicron trên địa bàn, tại chương trình, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cũng khuyến cáo người dân luôn tuân thủ quy tắc 5K, hạn chế thăm viếng, chúc Tết khi không cần thiết.
Giải đáp thắc mắc về biến chủng mới, ông Nguyễn Hữu Hưng cho hay, đây là 1 dạng biến thể của SARS-CoV-2 (COVID-19), gây ra những triệu chứng tương tự như khi chúng ta nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, trong điều kiện người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng ngừa, các biểu hiện này cũng sẽ ở dạng nhẹ, đa số các ca mắc bệnh phát hiện tại Việt Nam đều ở dạng không có triệu chứng lâm sàng.
“Ngành y tế rất mong người dân khi phát hiện mình hoặc người thân có các triệu chứng nhiễm bệnh COVID-19 cần chủ động khai báo y tế để ngành y tế TP có thể chủ động làm tốt hơn việc kiểm soát tình hình dịch COVID-19. Trong bối cảnh biến chủng Omicron có thể xâm nhập và lây lan nhanh, ngành cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn”, lãnh đạo Sở Y tế cho biết.