Bệnh tay chân miệng liên tục gia tăng, cha mẹ nên làm gì để bảo vệ trẻ? |
Theo các số liệu mới nhất từ Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, số ca nhiễm bệnh trong tháng 9/2019 là 6.573 ca (gồm cả nội trú và ngoại trú), tăng gấp 2 lần so với tháng 8/2019 (3.088 ca). Các ca bệnh tay chân miệng đều được kiểm soát tốt và không để xảy ra trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên chủ quan, phải chăm sóc bé kỹ lưỡng để giảm nguy cơ mắc bệnh. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường xảy ra ở các bé dưới 3 tuổi, bệnh có thể khỏi hoàn hoàn toàn sau 7-10 ngày mà không để lại di chứng. Nhưng cha mẹ cần chăm sóc, theo dõi các dấu hiệu của con để sớm nhận biết bệnh và có hướng điều trị đúng đắn.
Cho đến đầu tháng 10/2019, số ca bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP.HCM tăng liên tục
|
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, các dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ gồm: Tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc hay nói đều bị đau miệng. Đồng thời, trẻ có dấu hiệu bị sốt từ 1-2 ngày rồi tự giảm. Sau khi sốt trẻ bị nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối và lở trong miệng. Khi thấy các dấu hiệu trên, nên đưa trẻ đi khám bệnh.
Trong trường hợp trẻ bị sốt từ 39 độ trở lên suốt hơn 2 ngày, mặc dù cho uống thuốc vẫn khó hạ sốt, nôn ói hoặc nhợn ói liên tục, cha mẹ nên đưa trẻ đi bệnh viện để được điều trị đúng cách.
Đặc biệt, cần lưu ý các biểu hiện như bé bị giật mình chới với, trong lúc thiu thiu ngủ bé bị giật nẩy người, đi không vững, người run, chân tay yếu, thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hoặc quá nhanh,… Bệnh tình lúc này đã nặng, cần nhập viện khẩn cấp để cứu chữa kịp thời.
Bác sĩ hướng dẫn mẹo chữa bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh và dễ thành dịch. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ ít để lại biến chứng và không nguy hại đến tính mạng.
Theo bác sĩ Khanh, khi thấy trẻ nổi nhiều mụn nước và mỗi ngày một gia tăng, cha mẹ nên tắm rửa cho trẻ bình thường, sau đó mụn sẽ khô. Cha mẹ không cần bôi thuốc xanh để tránh trường hợp đưa bé đi khám bác sĩ không biết được nguyên nhân gây ra mụn nước.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM
|
Ở các mức độ nhẹ, nếu trẻ không bị loét miệng nhiều, gây bội nhiễm thì không cần cho uống kháng sinh hay vitamin. Cha mẹ ép cho trẻ uống sẽ khiến trẻ bị đau hơn.
Nếu trẻ ngủ không ngon giấc, hơi quấy khóc thì có thể do vết loét gây đau. Lúc này, hãy dùng gói Grangel (một loại thuốc dùng cho bệnh dạ dày) đặt vào ngăn mát tủ lạnh hoặc ướp đá rồi cho bé ngậm hoặc chấm nhẹ vào vết loét để giảm đau.
Bệnh tay chân miệng cũng sẽ khiến trẻ biếng ăn do miệng bị đau, cha mẹ hãy đợi thức ăn nguội hẳn hay làm mát để trẻ dễ ăn hơn.
Thậm chí, phụ huynh nên dùng gói thuốc Grangel, thực hiện rơ miệng cho trẻ để trẻ ăn uống dễ hơn.
Tuyệt đối không nên cho trẻ ăn cay, nóng hay chua, tránh làm tình trạng đau miệng trở nên nghiêm trọng hơn.
Để ứng phó với bệnh tay chân miệng, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên cha mẹ cần bình tĩnh và thực hiện các mẹo trên. Nếu chăm sóc đến ngày thứ 4 mà không thấy trẻ bị giật mình hay sốt cao, thì bệnh tình đã được kiểm soát, bé sẽ ổn dần và sớm hồi phục sức khỏe.
Cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ. Trước hết, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó, trước khi tiếp xúc, chơi đùa cùng trẻ, cha mẹ nên rửa tay thật sạch, tránh lây nhiễm vi khuẩn, tác động xấu đến hệ miễn dịch non yếu của trẻ.
Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, phụ huynh nên báo cho giáo viên biết để phòng bệnh tay cho các bé khác, tránh lây nhiễm trên diện rộng sẽ khó kiểm soát. Cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày để cách ly khỏi nguồn bệnh và tránh lây lan sang các bạn khác.