Khuyến khích về nhà tự cách ly là bình thường
Tại cuộc họp khẩn ở Trung tâm Báo chí TP.HCM tối nay ngày 1/12, cơ quan chức năng có mặt đã trả lời về sai phạm của BN 1342 và khẳng định sẽ xử lý tiếp viên này của hãng Vietnam Airlines.
“Về việc vi phạm quy định cách ly của Dương Tấn H – Tiếp viên của Vietnam Airlines (BN 1342), lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ. Vi phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế với trường hợp vi phạm quy định cách ly, gây hậu quả” – ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM khẳng định.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin: “Các khu cách ly tiếp viên hàng không, phi hành đoàn của VNA là từng khu cách ly riêng cho từng chuyến bay nhưng BN 1342 đã đi xuyên từ khu này sang khu kia, gặp gỡ BN 1325 là người trở về từ một chuyến bay đầy nguy cơ, có tới 8-9 thành viên phi hành đoàn đã nhiễm COVID-19 và bị lây nhiễm như đã biết. Từ BN 1342 đã tiếp tục lây nhiễm sang BN 1347, các trường hợp tiếp xúc gần khác âm tính. Từ BN 1347 đã phát hiện lây nhiễm sang 2 BN mới, trong đó có 1 cháu bé mới 1 tuổi (BN 1348), và 1 học viên tiếng Anh, tức BN 1349, các trường hợp còn lại âm tính”.
Bà Lê Thị Thanh Thảo – Chủ tịch UBND quận 6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế và ông Từ Lương - Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM phát biểu tại họp báo chiều 1/12 (Ảnh: Hoà Bình) |
Tại cuộc họp khẩn, báo chí chất vấn cơ quan chức năng về việc tại sao tiếp viên VNA mới cách ly được 5 ngày đã được về? Trước tình hình mới dự báo lây nhiễm mạnh, liệu quy định 2 lần xét nghiệm âm tính được về cách ly tại nhà có còn hợp lý?
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc CDC TP.HCM trả lời: “Với thế giới, thì việc khuyến khích về nhà tự cách ly là hoàn toàn bình thường. Chúng ta đã thực hiện cho về nhà cách ly sau khi nhận kết quả âm tính 2 lần. Nhưng quy định chỉ là quy định, quan trọng nhất là ý thức của người được cách ly. Bắt buộc phải tuân thủ không được tiếp xúc với người khác, không được đi lại giữa các khu vực cách ly. Sự cố chỉ xảy ra khi người được cách ly đã không tuân thủ các quy định, ở đây là tiếp viên VNA”.
BS Nguyễn Trí Dũng cho biết, về phần xử lý sai phạm của tiếp viên Vietnam Airlines, Thủ tướng đã giao cho Bộ GTVT xem xét, xử lý sai phạm của tiếp viên này. Ông Dũng cũng khẳng định sai phạm của BN 1342 là nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc CDC TP.HCM trả lời phỏng vấn tại họp báo (Ảnh: Hoà Bình) |
Đã khoanh vùng nhưng không phong toả rộng
Về các công tác xử lý khoanh vùng dịch bệnh, bà Lê Thị Thanh Thảo – Chủ tịch UBND quận 6 (TP.HCM) - có mặt tại cuộc họp cho biết: “Ngay ngày 30/11, quận 6 đã tiếp nhận thông tin về gia đình ông Vũ Minh S (cư trú tại Bình Tiên, phường 3, quận 6).
Chúng tôi đã thực hiện cách ly các F1 của BN 1347 tại Trung tâm cách ly của quận 6. Các trường hợp F2 được cách ly tại nhà. Riêng khu vực nhà của BN 1347 đã được phong toả trong phạm vi có 267 người dân sinh sống. Đêm 30/11, CDC TP.HCM đã lấy mẫu xét nghiệm 118 trường hợp. Chiều nay, ngày 1/12, chúng tôi nhận được thông tin người dân cư trú ở Lô E Lò Gốm, trong vùng bị phong toả đã âm tính. Về khu vực phong toả liên quan đến cháu bé 1 tuổi (BN 1348) có 196 hộ dân đang chờ kết quả xét nghiệm.
Khu vực liên quan đến BN 1349 (Nguyễn Thị T - học viên của BN 1347), chúng tôi cũng đã thực hiện phong toả khu vực Hoàng Lê Kha (phường 9) và lấy mẫu 22 trường hợp liên quan. Tổng số mẫu lấy trên 3 phường liên quan đến các BN là hơn 300 mẫu”.
“Trong số F1 của BN 1347 có 4 giáo viên của Trường Tiểu học Võ Văn Tần và Trường Tiểu học Nguyễn Huệ trên địa bàn quận 6. Chiều hôm nay, chúng tôi nhận được kết quả xét nghiệm lần thứ nhất của 4 cô giáo là âm tính nhưng để đảm bảo an toàn cho học sinh và thầy cô giáo, quận vẫn quyết định cho học sinh 2 trường tiếp tục nghỉ thêm 1-2 ngày tới” – Bà Thảo thông tin.
Họp báo tối 1/12 thu hút rất đông các cơ quan báo chí tham dự (Ảnh: Hoà Bình) |
“Do chuẩn bị đón Noel cũng như Tết Dương lịch cận kề, TP.HCM sẽ lên phương án với nhiều kịch bản khác nhau và sử dụng mọi biện pháp ứng phó mạnh hơn, bao gồm xét nghiệm mở rộng để khoanh vùng đối tượng có nguy cơ” – ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói về phương án và biện pháp ứng phó với nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh COVID-19.
“Tuy nhiên, sẽ không phong toả trên diện rộng để giữ được đời sống cho người dân được bình thường” – ông Từ Lương lưu ý. Ông Từ Lương nhấn mạnh dù liên quan đến 4 ca nhiễm mới nhưng nhất thiết không được coi TP.HCM là “ổ dịch”.
“Tuy nhiên, sau 90 ngày không có bệnh nhân mới, có dấu hiệu mất an toàn do chúng ta đã mất cảnh giác. Đề nghị không chủ quan, không lơ là” – ông Lương nói.
“Với 4 ca bệnh mới chúng ta đang xử lý thì đã xác định được nguồn gốc nên còn có thể xử lý, không bị rối. Quan trọng nhất là phải giám sát tại các cửa khẩu nhập cảnh, tăng cường vai trò chủ động tại các cơ sở cách ly, của người dân cùng phối hợp để tăng cường cảnh báo, giảm chủ quan lơ là” – Giám đốc CDC TP.HCM, BS Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.