Xử lý vụ tiếp viên Vietnam Airlines vi phạm quy định cách ly thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ca nhiễm phức tạp BN 1342 và BN 1347 do vi phạm quy định cách ly của tiếp viên Vietnam Airlines , dẫn tới lây nhiễm COVID-19 tại TP.HCM đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về việc quản lý cách ly.

Máy bay của Vietnam Airline giải cứu người Việt mùa COVID-19 (Ảnh: VNA cung cấp)
Máy bay của Vietnam Airline giải cứu người Việt mùa COVID-19 (Ảnh: VNA cung cấp)

PV: BN 1342 là nam tiếp viên của Vietnam Airlines, nhập cảnh về TP.HCM và vi phạm quy chế cách ly. Được biết, nam tiếp viên này đã được trở về nhà sau khi cách ly tại trung tâm 5 ngày, vì lý do xét nghiệm 2 lần, cả đoàn không ai nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì tiếp viên hàng không và người nhập cảnh bắt buộc phải cách ly tập trung đủ 14 ngày. Thưa luật sư, về trường hợp nam tiếp viên vi phạm quy định cách ly này, sẽ xử lý như thế nào? Đây là sai phạm của cá nhân BN 1342 hay là của Khu cách ly do Vietnam Airline quản lý?

Luật sư Bùi Quốc Tuấn: Như chúng ta biết, mục đích của việc cách ly là ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19), cách ly theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn trong trường hợp này.

Mới đây Bộ Y tế vừa ban hành công văn số 4995/BYT-DP ngày 20/9/2020 về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam, đối tượng là những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây: Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh; Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh; Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh… thì phải bắt buộc cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Vietnam Airlines đã có khu cách ly, BN 1342 bất luận vì sao lại được rời khỏi khu cách ly về nhà sau 5 ngày cách ly là sai. Trường hợp này có trách nhiệm của Vietnam Airlines không quản lý chặt người cách ly.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) - Ảnh: HB

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) - Ảnh: HB

PV: CDC TP.HCM khi xác định nguyên nhân nhiễm Covid-19 của BN1342 cho rằng BN này có thể đã bị nhiễm SARS-CoV-2 tại khu cách ly của Vietnam Airlines, sau khi có tiếp xúc gần với BN 1325 – là người trên chuyến bay có tới 8 thành viên phi hành đoàn cùng nhiễm COVID-19. Theo quy định, kể cả thời gian ở tại khu cách ly, người được cách ly cũng không được tiếp xúc với người khác. Như vậy, BN 1342 đã tiếp tục vi phạm quy định cách ly? Trường hợp này xử lý như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Bùi Quốc Tuấn: Từ cơ sở trên, thì BN 1342 đã vi phạm quy định của pháp luật và việc xử lý trong trường hợp đã có quy định như sau:

Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ Tướng, công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc. Xác định bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định có quy định:

"2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

...b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A."

BN 1342 là người tạm gọi là rời khỏi khu vực cách ly y tế có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo quy định trên.

Hiện tại, phía Vietnam Airline chưa đưa ra câu trả lời về việc tại sao BN 1342 lại được rời khỏi khu cách ly trở về nhà sau 5 ngày cách ly.

Luật ghi rõ, nếu điều tra xác minh BN là người bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

+ Nếu người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1-5 năm.

+ Nếu người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa mà trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự 2015, bổ sung năm 2017.

Khu vực cách ly dành cho người nhập cảnh tại quận Tân Bình (TP.HCM)

Khu vực cách ly dành cho người nhập cảnh tại quận Tân Bình (TP.HCM)

PV: Sau khi phát hiện BN 1342 dương tính thì liên quan đến 3 người có quan hệ chặt chẽ với BN 1342, đó là mẹ đẻ, bạn gái và một người bạn trai đã đến ở cùng phòng trọ với BN 1342 trong thời gian cách ly tại nhà. Được biết, người này sau đó đã được xác định là BN 1347 (là nam, giáo viên tiếng Anh)?

Luật sư Bùi Quốc Tuấn: Người cách ly phải tuân thủ các quy định về cách ly, chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét...

Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân. Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở… Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú. Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi lưu trú.

PV:Thưa luật sư, vụ việc tiếp viên Vietnam Airlines vi phạm quy định cách ly không chỉ một lần mà tới hai, ba lần, có nên xử phạt nặng để nâng cao ý thức phòng, chống COVID-19, tránh cảnh lây lan trong cộng đồng?

Luật sư Bùi Quốc Tuấn: Như đã phân tích trên, tùy theo trường hợp cụ thể, vấn đề hiện nay là phải tập hợp điều tra các mối quan hệ lây nhiệm F1, F2, F3… nhằm cách ly và ngăn chặn sớm.

Các cơ quan chức năng sẽ điều nghiên, xem xét toàn diện, mức độ gây thiệt hại, độ lây nhiễm cao, trách nhiệm của từng người. Cơ quan quản lý của BN 1342 từ đó mới có cơ sở xử lý cụ thể được.

Đây là bài học cảnh tỉnh cho Vietnam Airlines, các cá nhân khi đi từ vùng dịch về, phải có ý thức cao, nhằm bảo vệ chính mình, gia đình và xã hội, nhằm hạn chế thiệt hại không đáng có và đó là ý thức của con người.

PV: Xin cảm ơn luật sư!