Về công tác tiếp nhận phản ánh của người dân qua Tổng đài 1022 và 115, theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TTTT TP.HCM, nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn, Sở TTTT đã phối hợp với Sở Y tế triển khai vận hành Tổng đài 1022 từ ngày 22/7/2021. Hiện tại, Sở bố trí mỗi ngày 3 ca 4 kíp, mỗi ca trực có khoảng 20 - 30 tổng đài viên, mỗi ngày có 120 tổng đài viên trực 24/7.
Tính đến 0 giờ ngày 28/7/2021, có hơn 217.700 cuộc gọi của người dân; các tổng đài viên đã tiếp nhận và xử lý hơn 12.100 cuộc. Trong đó, các Sở - ngành, quận huyện đã xử lý hơn 70% nội dung các cuộc gọi.
Tuy đã bố trí tổng đài viên trực 24/7 nhưng tại một số thời điểm, ông Thắng thừa nhận số lượng cuộc gọi quá lớn dẫn đến tình trạng nghẽn mạng, người dân không kết nối được với tổng đài viên.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Thắng cho hay, Sở đang phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin - Truyền thông triển khai các giải pháp công nghệ, kết nối tổng đài quốc gia để hỗ trợ và tăng lực lượng tình nguyện viên, tổng đài viên để tiếp nhận cuộc gọi. Bên cạnh đó, giới thiệu thêm các đường dây nóng của các Sở - ngành, quận - huyện để người dân có thể phản ánh kịp thời.
Dự kiến trong vài ngày tới, Sở sẽ triển khai ứng dụng Callbot có sử dụng trí tuệ nhân tạo. Với Callbot, trong 1 giờ có thể tiếp nhận thêm 3.600 cuộc gọi của người dân.
Thông tin về công tác tiếp nhận phản ánh qua tổng đài 115, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết, hiện tại, tổng đài có 14 đường truyền; tổng số cuộc gọi nhận được là 5.000 cuộc/ngày. Tuy nhiên, thời gian qua, do lượng cuộc gọi nhận được rất lớn nên đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng tại một số thời điểm.
Vì vậy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo mở thêm Tổng đài dã chiến tại Công viên phần mềm Quang Trung với số đường truyền là 40 (có thể tăng lên tối đa 100 đường truyền) và tăng cường thêm lực lượng tổng đài viên, tình nguyện viên từ các trường đào tạo ngành y để tiếp nhận đầy đủ các cuộc gọi.