TP.HCM sẽ có robot gọi hỏi thăm sức khỏe để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chiều 2-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM về tình hình dịch tại TP.HCM.

Đầu cầu TP.HCM tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 2/6 (Ảnh: Huyền Mai)
Đầu cầu TP.HCM tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 2/6 (Ảnh: Huyền Mai)

Chiều 2/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và lãnh đạo TPHCM. Cuộc họp bàn về công tác phòng chống dịch Covid-19, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng chống dịch và công tác xét nghiệm Covid-19.

Tại điểm cầu TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có các lãnh đạo, đại diện các Sở, ban, ngành trên địa bàn Thành phố.

Nguy cơ cực cao từ chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo Phục Hưng

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, chỉ trong nửa tháng, TP.HCM đã phát hiện 3 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. So với 2 chuỗi lây nhiễm ở trong một công ty quận 3 và quán Bánh canh cá lóc O Thanh quận 3, thì chuỗi lây nhiễm xuất phát từ nhóm truyền giáo Phục Hưng có mức độ lây lan mạnh nhất, nguy hiểm và khó lường nhất. Nhóm truyền giáo này có 55 người trực tiếp sinh hoạt, đến nay đã có 40 người mắc Covid-19, từ đó lây lan ra thêm cho nhiều người khác trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM thông qua nơi làm việc, tiếp xúc gia đình và bạn bè.

Tính đến sáng ngày 2/6/2021, TP.HCM đã có 219 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố có liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng. Từ 18 giờ ngày 1/6 - 6 giờ ngày 2/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận thêm 23 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 có liên quan đến nhóm bệnh này.

Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch liên quan Hội thánh đều thuộc biến chủng Ấn Độ.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai

Đáng lưu ý, sự xuất hiện các chuỗi mới xuất phát từ 1 bệnh nhân trong nhóm truyền giáo nêu trên được ghi nhận tại các tòa nhà văn phòng với tỷ lệ lây nhiễm rất cao. Bên cạnh đó nhóm bệnh nhân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã làm cho chuỗi lây nhiễm này phát triển diện rộng. Hiện tổng cộng 20/22 địa phương tại TP.HCM và 16 tỉnh, thành phố khác trên cả nước có ca bệnh liên quan đến nhóm truyền giáo này.

Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, TP.HCM cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 khu công nghiệp (KCN) là KCN Tân Bình, KCN Tây Bắc Củ Chi, KCN Vĩnh Lộc - Hóc Môn, Công ty Coats Phong Phú.

Áp dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch

Trước tình hình trên, theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, TP.HCM đã thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15/CT-TTg; riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng tới điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu khẩn trương điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm người mắc bệnh.

Trong tình hình số lượng người cần cách ly tập trung gia tăng, nhiều trường hợp F1 tiếp tục phát hiện dương tính, nhằm kiểm soát không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly, TP tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ công tác tổ chức cách ly tập trung ở các khu cách ly tập trung thành phố và quận huyện. Ngoài ra, ngành y tế phối hợp chính quyền địa phương giám sát nghiêm ngặt người tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) được cách ly tại nhà, xét nghiệm kiểm tra vào ngày 1 và ngày 3, qua đó đã phát hiện 50 trường hợp F2 dương tính với Covid-19 (hiện đang có 5.945 người cách ly tại nhà).

Về áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Công an TP, Sở Thông tin Truyền thông đã phối hợp, hỗ trợ ngành y tế thực hiện điều tra truy vết nhanh chóng, đầy đủ các địa điểm dịch tễ và người tiếp xúc bằng các biện pháp, công cụ chuyên ngành hoặc ứng dụng công nghệ thông tin.

Cùng với đó, phổ biến thông tin trên các kênh truyền thông đại chúng về những địa điểm có ổ dịch. Công an TP, UBND các địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng thực hiện “rà từng ngõ, gõ từng nhà” để phổ biến thông tin liên quan dịch bệnh, rà soát, vận động người về từ các tỉnh thành đang có dịch bệnh, người có liên quan đến các ổ dịch của Thành phố tự giác khai báo trung thực để được giám sát y tế phù hợp.

Lấy mẫu xét nghiệm tại BV Nhân dân Gia Định

Lấy mẫu xét nghiệm tại BV Nhân dân Gia Định

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, TP.HCM tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, bảo đảm nguyên tắc phản ánh kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan, sát tình hình thực tế, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, không đưa các thông tin tiêu cực gây hoang mang dư luận hoặc tạo tâm lý chủ quan, lơ là; khuyến khích thực hiện 5K và vắc xin, nhất là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; hạn chế tập trung đông người.

Đồng thời, chuẩn bị để tổ chức tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đợt 3 với 73.900 liều cấp cho TP, cho đúng đối tượng ưu tiên, đúng tiến độ nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về giãn cách, an toàn phòng dịch.

Triển khai robot gọi điện hỏi thăm sức khoẻ

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ, TP.HCM cần chú trọng công tác khai báo y tế, hỏi thăm sức khoẻ của mọi người dân.

Ngoài việc tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, khuyến khích người dân chủ động khai báo, đến cơ sở y tế khi có triệu chứng, Phó Thủ tướng đề nghị TP triển khai mô hình robot gọi điện hỏi thăm sức khoẻ tự động.

Cụ thể, TP sẽ lấy dữ liệu của người dân, phân nhóm tuỳ theo khu vực nguy hiểm và tiến hành gọi điện bằng robot. Robot này sẽ cập nhật dữ liệu sức khỏe của người dân và phát hiện những ai có triệu chứng dịch để ngành y tế kịp thời nắm bắt, xét nghiệm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông sớm triển khai mô hình này tại TPHCM. Đồng thời, yêu cầu người dân chú trọng phòng, chống dịch tại các KCN, KCX.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng đây là biện pháp rất cần thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay tại TP. Để thông tin thông suốt, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đề nghị, sau khi robot thu thập dữ liệu, nếu có trường hợp đáng ngại thì sớm có báo cáo cho TP vào cuối mỗi ngày để cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho biết thêm, TP đang hoàn thiện danh sách công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cùng với đó, yêu cầu các công nhân cung cấp đầy đủ thông tin liên lạc để thuận tiện trong quá trình truy vết.