TP.HCM ra văn bản khẩn vì nhiều bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng rất nhanh

VietTimes – Sở Y tế TP.HCM vừa ra văn bản khẩn gửi các bệnh viện vì nhiều bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng rất nhanh, thậm chí dẫn tới tử vong.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (Ảnh: Hải Linh)

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian qua, một số trường hợp người bệnh COVID-19 trên địa bàn có tiến triển rất nhanh dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong. Sở Y tế TP.HCM chiều 1/7 vừa ra văn bản khẩn gửi đến các bệnh viện, đề nghị theo dõi sát diễn tiến của người bệnh COVID-19.

Văn bản yêu cầu khi bệnh nhân có dấu hiệu hô hấp bất thường, dựa vào triệu chứng lâm sàng và nồng độ oxy trong máu, đơn vị điều trị lập tức chuyển viện và sơ cứu trên đường chuyển. Người bệnh COVID-19 cần được hỗ trợ thở oxy qua cannula mũi trên đường chuyển tuyến nếu có tổn thương phổi trên phim X-quang, bất kể có triệu chứng hoặc không có triệu chứng.

Với các ca bệnh có diễn tiến nặng, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện được phân công điều trị Covid-19 (trực thuộc Sở Y tế TP.HCM) chủ động liên hệ chuyên gia hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để hội chẩn trực tuyến.

Trường hợp có bệnh lý nền kèm theo hoặc cần can thiệp chuyên khoa, các đơn vị liên hệ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố; chủ động tham gia và trình bệnh án với nhóm chuyên gia điều trị COVID-19 các trường hợp diễn biến nặng.

Một bệnh nhân chuyển nặng được đưa từ Bệnh viện Gò Vấp lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - Ảnh Duy Hiệu

Lãnh đạo TP.HCM đã giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được giao nhiệm vụ kết nối các bệnh viện được phân công tiếp nhận, điều trị Covid-19 tham gia vào nhóm chuyên gia điều trị của thành phố, nhằm trao đổi chuyên môn và thống nhất hướng xử trí đối với các trường hợp nặng.

Nhằm tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các bệnh viện đặc biệt chú ý thực hiện nghiêm hướng dẫn về điều trị và dự phòng rối loạn đông máu; cần tiến hành xét nghiệm D-Dimer, Fibrinogen..., và dựa vào lâm sàng để phân tầng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch và điều trị theo hướng dẫn.

Với các trường hợp bệnh viện không có khả năng làm xét nghiệm về đông máu, nếu người bệnh COVID-19 có tổn thương phổi (trên X-quang) cần được chỉ định Enoxaparin liều dự phòng: Lovenox 40 mg/0,4 ml, một ống tiêm dưới da mỗi 24 giờ. Đối với người bệnh lớn tuổi (trên 70 tuổi), bác sĩ có thể cân nhắc giảm liều còn 3/4 ống (30 mg) mỗi ngày. Trường hợp người bệnh thừa cân (trên 60 kg) có thể cân nhắc tăng liều đến 1,5 ống (60 mg) mỗi ngày.

Sở Y tế chỉ đạo, nhân viên y tế cần lưu ý các chống chỉ định của thuốc theo hướng dẫn sử dụng. Bệnh nhân cần được theo dõi số lượng tiểu cầu sau 2-3 ngày dùng thuốc và sau đó ít nhất một lần/tuần.


Phun khử trùng tiêu độc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - Ảnh: Hữu Khoa

Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, cán bộ Công an mắc COVID-19 (Bệnh nhân P.C.Đ. 41 tuổi, Công an phường Phú Trung, quận Tân Phú) đã hồi phục ở ngày thứ 23 kể từ khi nhập viện. Cán bộ công an đã được cai ECMO, bỏ máy thở, đang được các Bác sĩ điều trị trong khu cách ly, kết hợp vật lý trị liệu, thực hiện các bài tập thể dục để nâng dần thể lực.

Tin vui từ BS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết 60 ca bệnh là nhân viên của BV đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng cho đến hiện tại chỉ có 2 bệnh nhân sốt nhẹ, 58 trường hợp còn lại đều không có bất cứ biểu hiện nào. Các bệnh nhân này đang được chăm sóc tại khu cách ly điều trị của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Toàn bộ cán bộ y tế, nhân viên bệnh viên, y bác sĩ đều đang trong khu phong toả, cách ly với bên ngoài. Bệnh viện đã chuyển đổi công năng, trở thành cơ sở chuyên điều trị COVID-19 theo phân công từ Sở Y tế TP.HCM.