Từ trưa 13/4, người dân Khu phố 9 phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức nhận thông báo lấy ý kiến về sắp xếp toàn bộ diện tích TP.HCM, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập TP.HCM mới.
Người dân cũng được lấy ý kiến về sắp xếp phường Hiệp Bình mới trên cơ sở sắp xếp phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước và một phần phường Linh Đông, TP Thủ Đức. Theo đại diện Khu phố 9, do thời gian khẩn và số lượng cử tri lớn nên việc tổ chức lấy ý kiến diễn ra từ hôm nay đến trưa mai (14/4).
Việc triển khai lấy ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính được nhiều phường trên địa bàn thực hiện trong hôm nay như Bình Chiểu, An Phú, Hiệp Bình Phước… thông qua hình thức phát phiếu bằng giấy. Người dân chọn phương án đồng ý hoặc không đồng ý sáp nhập và cho ý kiến khác nếu có, sau đó ký tên vào phiếu.

Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri thực hiện theo yêu cầu của Sở Nội vụ về triển khai sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến được đăng tải trên cổng thông tin điện tử TP Thủ Đức và UBND 34 phường. Thông tin về sắp xếp bộ máy được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường, các điểm sinh hoạt cộng đồng và được tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương, tại các cuộc họp khu phố trong thời gian tổ chức lấy ý kiến cử tri.
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, việc tổ chức lấy ý kiến người dân về sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở với một trong các hình thức gồm: Phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân; tổ chức họp cộng đồng dân cư...
Sau khi nhận được báo cáo tổng hợp và các hồ sơ liên quan của UBND cấp huyện gửi đến UBND TP.HCM, Sở Nội vụ tổng hợp hồ sơ báo cáo Thành ủy trước khi trình Hội đồng nhân dân TP.HCM họp thông qua chủ trương.
Theo phương án, TP.HCM sau sắp xếp là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên cơ sở thực hiện song hành hai nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở.
Việc sắp xếp nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của 3 tỉnh, thành phố về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ trong thời gian sắp tới. TP.HCM sau sắp xếp, sáp nhập diện tích hơn 6.772 km2 (đạt 135% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 13,7 triệu người (đạt 979,04 % so với tiêu chuẩn), 190 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.
Tại hội nghị Trung ương 11 khóa 13 bế mạc hôm qua 12/4, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước từ 63 xuống 34, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Chủ tịch Đà Nẵng nói về việc sáp nhập với Quảng Nam
