TPHCM: Giải pháp cho giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lãnh đạo TP.HCM bày tỏ thiện chí tìm kiếm giải pháp cho giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tiến tới tăng trưởng ổn định.
Toàn cảnh hội nghị chiều 26/4/2022. Ảnh- Linh Nhi
Toàn cảnh hội nghị chiều 26/4/2022. Ảnh- Linh Nhi

Nhiều tín hiệu vui

Tại cuộc họp chiều nay, 26/4/2022, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, phát biểu ý kiến cho rằng: “ Việc điều trị COVID-19 ổn định và an toàn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động trở lại. Du lịch nội địa tăng 50-60%, du lịch quốc tế tăng 25%. Đầu tư nước ngoài đạt tới 41% so với dự toán. Đây đều là những con số cho thấy sự phục hồi tốt” – Ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Viện trưởng Trần Hoàng Ngân lưu ý: “Tuy nhiên, tổng mức tiêu thụ hàng hóa dịch vụ giảm, doanh số xuất khẩu giảm là những con số cần được xem xét kỹ lưỡng xem nguyên nhân tại sao trong khi công tác xuất khẩu đang có nhiều dấu hiệu tốt”.

Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho các giai đoạn tiếp theo, việc cải thiện môi trường đầu tư được Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhấn mạnh là có ý nghĩa lớn đối với thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế. Ông Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý cần kiểm soát vì dấu hiệu lạm phát đã thấy rõ khi giá cả hầu hết tăng cao. Đồng thời, ông Ngân bày tỏ ghi nhận với dự án xây dựng khu lưu trú cho công nhân.

Hơn 350 căn hộ gồm 2 blocks cao 9 tầng, dành cho công nhân
Hơn 350 căn hộ gồm 2 blocks cao 9 tầng, dành cho công nhân

Khu lưu trú công nhân với 1.000 chỗ ở

Cụ thể, dự án gồm 2 tòa nhà cao 12 tầng với 360 căn hộ, xây dựng trên diện tích 5.082m2, là dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại phía Nam. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 408 tỷ đồng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 1.000 công nhân. Người lao động ở trong khu lưu trú được sử dụng các tiện ích khép kín như: nhà trẻ, khu thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí, tại Lô 85A4, Khu chế xuất (KCX) Linh Trung II (TP Thủ Đức, TPHCM).

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 được TP.HCM phê duyệt dự kiến phát triển gần 484.000 căn, tương ứng với 50,6 triệu m2 sàn. Trong đó, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là 2,5 triệu m2 sàn (tương ứng hơn 35.700 căn). Ngoài ra, TP.HCM cũng phấn đấu phát triển 3,1 triệu m2 sàn (tương ứng với 56.749 căn) nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động đang sống trong các khu nhà trọ, các hộ đang sống trên và ven kênh rạch, các khu chung cư cũ phải tháo dỡ hoặc các khu nhà ở chưa đảm bảo về điều kiện sinh hoạt và phòng chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, hậu COVID-19, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, tình trạng người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập ngày càng tăng. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu cấp bách khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau đại dịch. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá, việc phát triển nhà lưu trú công nhân trong tình hình hiện nay và lâu dài nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, hỗ trợ công nhân, người lao động để cải thiện và nâng cao chất lượng chỗ ở là rất cần thiết.

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ khởi công dự án nhà ở xã hội Bình Chánh
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ khởi công dự án nhà ở xã hội Bình Chánh

Cũng trong ngày 26/4, Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp cùng Tập đoàn Nam Long tổ chức lễ Động thổ nhà ở xã hội 2 – Block C, khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh). Dự án được triển khai trên khu đất rộng gần 3.700 mét vuông với quy mô 242 căn nhà theo chính sách thuê, mua.

Cải tiến quy trình kiểm dịch y tế tại cảng hàng không

Ngày 26/4, Sở Y tế TP.HCM cho biết tính từ giữa tháng 3/2022 đến nay, lượng hành khách nhập cảnh tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tăng lên rất nhanh, ghi nhận ở thời điểm hiện tại mỗi ngày có trung bình 40 chuyến bay nhập cảnh với lượng hành khách khoảng 4.000 - 4.500 người.

Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả hành khách khi nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính và khai báo y tế trên trang web tokhaiyte.vn. Việc kiểm tra 2 nội dung này đối với hành khách nhập cảnh tại khu vực kiểm dịch y tế có thể gây ùn tắc do hành khách phải chờ đợi lâu, nhất là vào những thời điểm có nhiều chuyến bay đáp cùng lúc.

Trước thực tế đó, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra một số giải pháp cải tiến đối với quy trình giải pháp cải tiến của Sở Y tế đối với quy trình kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Cụ thể, cần bỏ khâu kiểm tra hành khách có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Trước khi hành khách lên máy bay về Việt Nam, các hãng hàng không đã kiểm tra kết quả xét nghiệm để đảm bảo tất cả hành khách nhập cảnh đều có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 (RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh), Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật không phải kiểm tra lại khi hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - PGS.TS Tăng Chí Thượng
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - PGS.TS Tăng Chí Thượng
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM
Bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM
Bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM

Đối với hành khách đã khai báo y tế, sau khi trình mã QR cho nhân viên kiểm dịch y tế thì sẽ được đi theo luồng riêng để vào làm thủ tục nhập cảnh, không phải dừng lại chờ quét mã QR và xác thực thông tin như trước đây.

Đối với hành khách chưa khai báo y tế, hành khách có thể khai báo trong khi di chuyển từ máy bay vào nhà ga (các mã QR được bố trí dọc lối đi), hoặc vào khu vực riêng với sự trợ giúp của kiểm dịch y tế hoặc nhân viên hãng hàng không.

Sau khi triển khai những thay đổi trên theo quy trình mới, đã không còn cảnh tập trung người đông đúc, ùn tắc như trước đây dù có thời điểm nhiều chuyến bay đáp cùng lúc.

Động lực đổi mới và sáng tạo du lịch

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa bày tỏ vui mừng trước những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Bà Ánh Hoa cho hay: “Tháng 4/2022 số lượng khách du lịch đến TP.HCM ở giai đoạn này có tăng so với tháng trước, nhưng nếu so với thời điểm tháng 1/2022 thì con số hiện nay vẫn còn âm. Điều này chủ yếu là do nguyên nhân ảnh hưởng dịch bệnh gây tê liệt cho toàn ngành du lịch".

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (áo dài màu vàng) tại Lễ đón khách quốc tế đến TP.HCM trong ngày đầu năm

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (áo dài màu vàng) tại Lễ đón khách quốc tế đến TP.HCM trong ngày đầu năm

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM bày tỏ: "Khách quốc tế mới chỉ được phép bắt đầu đến Việt Nam từ điểm mốc mở cửa du lịch hoàn toàn từ ngày 15/3 và đã có một cao trào của ngành du lịch nhưng khách du lịch và người dân đều được an toàn. Đây chính là tiền đề tốt để tiến hành nhiều công tác trong ngành du lịch trong tháng 4. Ngành du lịch định hướng làm mới nhiều sản phẩm du lịch city tour bằng phương tiện trực thăng và du thuyền trở thành điểm nhấn thu hút khách đến TP.HCM”.

Tháng 5, ngành du lịch sẽ kết lại cuộc thi sáng tạo, đổi mới du lịch với sự tham dự của rất nhiều đơn vị lữ hành trong nước và nước ngoài. Đồng thời, Lễ hội du lịch TP.HCM cũng sẽ trở lại với công chúng, với nhiều hoạt động hấp dẫn dự kiến thu hút được số lượng lớn du khách.