TP.HCM chuẩn bị kế hoạch 16.000 giường điều trị COVID-19

VietTimes –  TP.HCM có gần 3.000 ca nhiễm và dự báo còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Sở Y tế TP.HCM đã lên kế hoạch chuẩn bị 16.000 giường điều trị COVID-19 để ứng phó với dịch bệnh.
Xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh: HCDC

Xây dựng kế hoạch lên đến 16.000 giường điều trị COVID-19

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP đã vượt qua con số 2.500 ca và dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Trước tình hình này, ngành Y tế TP đã lên kế hoạch bổ sung thêm các BV dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc các trường hợp đang được cách ly (F1) không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (chiếm khoảng 80% các trường hợp). Điều này vừa đáp ứng yêu cầu thực tế vừa giảm tải cho các BV đã chuyển đổi công năng.

Hệ thống các cơ sở điều trị COVID-19 tại TP.HCM sẽ được xây dựng theo mô hình “tháp 3 tầng”.

Theo đó, tầng 1 là các BV dã chiến chuyên thu dung điều trị COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng với quy mô 5.000 giường (có thể tăng lên đến 10.000 giường nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp). Các BV này sẽ tiếp nhận các ca mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

Tầng 2 là các BV được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 có triệu chứng với quy mô 4.000 giường. Tầng 3 là các BV chuyên hồi sức chuyên sâu đối với các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch với quy mô 1.000 giường.

Hệ thống các cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình “tháp 3 tầng” tại TPHCM

Theo mô hình này, TP đã có các BV chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch (tầng 3 của hình tháp) và các BV chuyên điều trị COVID-19 (tầng 2 của hình tháp) với tổng công suất là 5.000 giường.

Hiện nay, Sở Y tế xây dựng kế hoạch bổ sung các BV dã chiến chuyên thu dung điều trị COVID-19 không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ với quy mô 5.000 giường nhằm trước hết kịp thời thu dung điều trị toàn bộ số ca mắc mới phát hiện qua xét nghiệm tầm soát tại các khu nguy cơ cao trong cộng đồng và các trường hợp đang được cách ly theo dõi tại các khu cách ly tập trung (F1 chuyển sang F0).

Thứ hai là chủ động phân loại độ nặng của bệnh để kịp thời chuyển tuyến phù hợp góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị COVID-19, tập trung điều trị cho các trường hợp bệnh nặng, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong.

Sở Y tế TP.HCM sẽ huy động nguồn lực sẵn có, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng có khả năng tiếp nhận một số lượng lớn các trường hợp dương tính, giữ lại điều trị các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, phát hiện kịp thời các trường hợp có dấu hiệu diễn tiến nặng để chuyển lên tuyến trên điều trị.

Để thực hiện kế hoạch, Sở Y tế TP.HCM cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa ngành Y tế với Bộ Tư lệnh và Ban Quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.

Thực hiện giải pháp đồng bộ

Trong khi Sở Y tế lên phương án tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng như cách ly, phong tỏa, xét nghiệm thì các địa phương, Sở, Ngành khác cũng tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chống dịch.

Ban Quản lý chợ Bình Thới (quận 11, TP.HCM) đã phát thẻ ra vào cho người dân để hạn chế tụ tập đông người. Ban Quản lý chợ Bình Thới đảm bảo bên trong chợ không quá 200 người.

Người dân đến chợ phải mang khẩu trang, đứng giãn cách đúng quy định. Sau khi được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn và khai báo y tế thì mới được vào chợ.

Đây là một trong những hoạt động chống dịch thiết thực, vừa đảm bảo buôn bán, mua hàng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) được trang bị tấm chắn giọt bắn. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Cùng ngày 26/6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã báo cáo Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Theo đó, những thí sinh không ở nơi bị phong tỏa, không ở khu vực thực hiện cách ly xã hội, không thuộc nhóm F0-F2 sẽ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 ngày 7-8/7. Các thí sinh còn lại sẽ tham gia kỳ thi đợt 2.

Sở GD&ĐT kiến nghị UBND TP.HCM cho tổng dợt phương án thi trong ngày 2/7. Khi đó, Sở Y tế sẽ hỗ trợ nhân sự để lấy mẫu xét nghiệm cho giáo viên, nhân viên, thí sinh với khoảng hơn 104.000 người trong 155 điểm thi.

Mỗi điểm thi sẽ có từ 20 đến 35 phòng với 380-800 thí sinh, không quá 130 cán bộ, giáo viên, nhân viên coi thi và không quá 24 người mỗi phòng. Cán bộ coi thi, thí sinh phải đeo khẩu trang trong thời gian tại điểm thi, không dùng máy lạnh.

Mỗi điểm thi phân ít nhất 4 luồng để đo thân nhiệt thí sinh và có có ít nhất 2 phòng cho cac em bị bệnh, ho, sốt.

Như vậy, trước tình hình dịch bệnh TP.HCM diễn biến phức tạp, số ca nhiễm gần 3.000 ca, nhưng Sở GD&ĐT thành phố vẫn xây dựng kế hoạch như Bộ GD&ĐT đã đưa ra cho toàn quốc.