TP.HCM: Hơn 86.000 bệnh nhân, phố buồn chằng chịt điểm phong toả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Ghi nhận hơn 86.000 bệnh nhân nhưng dịch bệnh chưa “giảm nhiệt”, TP.HCM có thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa. Những phố buồn chằng chịt điểm phong toả.
Khu vực phong toả trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 10. Ảnh: Hoà Bình
Khu vực phong toả trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 10. Ảnh: Hoà Bình

Tròn 2 tháng liên tục nhiều kỷ lục buồn

Đến ngày cuối cùng của tháng 7/2021, TP.HCM đã liên tục 2 tháng liền giữ những kỷ lục buồn, đứng đầu cả nước về số ca nhiễm, số người tử vong, số các khu vực phải phong toả hẹp, và cả số ngày phải thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố.

HCDC cho hay, tính đến hôm nay, TP.HCM đã ghi nhận hơn 86.000 ca nhiễm được Bộ Y tế công bố. Đến nay, đã có hơn 30.000 bệnh nhân trên địa bàn được xuất viện. TP.HCM hiện đang điều trị 847 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay, TP.HCM đã vượt trên 1.000 bệnh nhân tử vong.

Âm thanh duy nhất có thể nghe thấy vang lên thường trực tại tất cả các tuyến phố là tiếng còi xe cấp cứu ám ảnh kinh hoàng, liên tục từ sáng sớm hôm nay cho tới sáng sớm hôm sau. Không chỉ ban ngày, hàng trăm chuyến xe cấp cứu xuyên đêm từ quận nọ tới quận kia đưa bệnh nhân đi cách ly, điều trị.

Chỉ có xe cứu thương chạy trên tất cả các tuyến đường. Ảnh: Hoà Bình
Chỉ có xe cứu thương chạy trên tất cả các tuyến đường. Ảnh: Hoà Bình

Video ghi lại cảnh phong toả khắp nơi - Thực hiện: Hoà Bình

Khoảng gần một tuần cuối tháng 7, TP.HCM không phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho dù hiện tại số ca nhiễm vẫn tăng lên, mỗi ngày trên 4.000 BN mới được ghi nhận. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP.HCM có thể sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và triển khai tăng cường một số biện pháp thêm 2 tuần nữa.

Chằng chịt dây phong toả, ám ảnh tiếng còi xe cấp cứu

Đi một vòng TP.HCM hiện nay, tại tất cả các tuyến phố đều đã dựng các chốt kiểm dịch. Nhiều con phố chốt kiểm dịch san sát. Lực lượng chức năng kiểm tra rất kỹ giấy tờ của người xuất hiện trên đường. Một số mã QR để nhận diện “luồng xanh”, chẳng hạn như mã QR cho lực lượng vận chuyển thực phẩm, đồ thiết yếu, mã QR đã kiểm tra y tế và xác nhận âm tính với COVID-19 do các bệnh viện cấp, đã giúp cho số lượng rất ít người đang được lưu thông trên đường nhanh chóng giải toả. Lực lượng chức năng tại các chốt nhận diện mã QR này, có thể cho người mang mã đi ngay.

Phố chằng chịt khắp nơi là những vòng dây phong toả, cách ly hẹp từng khu vực xuất hiện bệnh nhân COVID-19. Toàn bộ các trường học nằm im lìm không một bóng người tới lui. Những con phố dài đau đớn oằn mình trong vòng dây cách ly khiến người dân rớt nước mắt.

Video ghi lại tiếng còi xe cấp cứu vang lên trên mọi tuyến đường TP.HCM khiến người dân ám ảnh. Thực hiện: Hoà Bình

Khu vực phong toả phường 2, quận Tân Bình. Ảnh: Hoà Bình
Khu vực phong toả phường 2, quận Tân Bình. Ảnh: Hoà Bình
Chốt kiểm soát phòng chống dịch phường 1, quận 4. Ảnh: Hoà Bình
Chốt kiểm soát phòng chống dịch phường 1, quận 4. Ảnh: Hoà Bình

Những con phố vắt ngang qua nhiều quận như Cách Mạng Tháng 8, Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… có đến hàng vài trăm điểm phong toả trên cùng một con đường. Các hẻm nhỏ tại vô vàn quận, huyện, khu vực của thành phố đều trong cảnh dựng rào chắn, chăng dây.

Người dân trong các khu vực cách ly thẫn thờ đợi thực phẩm do shipper mang đến. Sự thực mà nhiều cư dân tại các vùng phong toả cung cấp chứng cứ tới báo chí cho biết, không phải khu vực nào cũng có thể mua được thực phẩm. Hàng tiếp tế, thiện nguyện cũng cạn kiệt dần.

Một số điểm bán hàng lưu động bán thực phẩm thiết yếu, rau xanh được bày vội trên một vài tuyến phố, thực sự thì cũng không nhiều người dân đến được các điểm bán hàng lưu động. Và các điểm này vì lưu động nên cũng không cố định tại bất cứ chỗ nào. Ngày nào xe bán hàng lưu động tới được gần khu vực sinh sống thì người dân mới được mua.

Người dân TP.HCM giai đoạn này chỉ được đi chợ tối đa 2 lần/1 tuần. Tất cả các phường của TP.HCM đều đã phát phiếu đi chợ, quy định rất rõ người dân sống ở khu vực nào thì được phép đi chợ/siêu thị nào (có tên cụ thể cho từng phường, từng khu vực), hộ nào đi chợ/siêu thị vào thời gian nào trong ngày chẵn hay ngày lẻ, từ khung giờ nào đến khung giờ nào. Việc này nhằm hạn chế tối đa việc xếp hàng rồng rắn, tập trung đông người nơi công cộng. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng phiếu chợ không thoả mãn được nhu cầu thực phẩm của đa số người dân sống trên địa bàn TP.HCM, bởi xếp hàng trong giai đoạn này không phải là sự lựa chọn nên làm để phòng tránh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan.

Phiếu mua hàng thiết yếu mới nhất của phường 6, quận 3. Ảnh: Hoà Bình
Phiếu mua hàng thiết yếu mới nhất của phường 6, quận 3. Ảnh: Hoà Bình
Phiếu mua hàng thiết yếu phường An Phú, TP Thủ Đức (quận 2 cũ)
Phiếu mua hàng thiết yếu phường An Phú, TP Thủ Đức (quận 2 cũ)
Phiếu mua hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm, phường 1, quận 4. Ảnh: Hoà Bình
Phiếu mua hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm, phường 1, quận 4. Ảnh: Hoà Bình

HCDC cho hay, trên toàn TP.HCM đang có hơn 3.000 điểm phong toả vì liên quan ca bệnh COVID-19. Bắt đầu từ thời điểm 18 giờ hôm nay ngày 30/7, nhiều phường tại quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức được gỡ phong toả hẹp, tạo điều kiện cho cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Theo sự cho phép của UBND TP.HCM, shipper chuyển thực phẩm thiết yếu được đi lại liên quận, mang đồ đến cho cư dân trong các vùng cách ly, phong toả, hoạt động đến trước 18 giờ hàng ngày.

TP.HCM sau 18 giờ, tại hầu hết tất cả các quận, huyện đều vắng tanh không còn một bóng người đi. Đêm trên đường phố chỉ có lực lượng chức năng đã dựng lều tại các chốt kiểm dịch, thức trắng cùng thành phố đang “bệnh nặng”.

Cầu Khánh Hội 19h30 không còn một bóng người xe - Ảnh: HCDC
Cầu Khánh Hội 19h30 không còn một bóng người xe - Ảnh: HCDC
Đường Lê Hồng Phong và đường 3 tháng 2 lúc 19 giờ 30
Đường Lê Hồng Phong và đường 3 tháng 2 lúc 19 giờ 30
Đường Lý Thái Tổ, quận 10
Đường Lý Thái Tổ, quận 10
Đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 không bóng người xe
Đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 không bóng người xe
Đường Võ Văn Kiệt, quận 1 vắng không một bóng người - Ảnh: HCDC
Đường Võ Văn Kiệt, quận 1 vắng không một bóng người - Ảnh: HCDC

Người dân TP.HCM những ngày này đồng lòng ở trong nhà, tuân thủ quy định giãn cách, chịu đựng thiếu thốn thực phẩm, nuôi hy vọng đến một ngày không xa dịch bệnh sẽ lui. Thành phố nhất định sẽ “khỏe lại”, sẽ cường tráng và hào sảng như ngày nào.