Toyota lên kế hoạch sản xuất xe điện tại địa phương, cạnh tranh trực tiếp với các công ty Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các công ty ô tô Nhật Bản đang tụt hậu trên thị trường xe điện (EV) Trung Quốc, Toyota nỗ lực xoay chuyển tình thế, lên kế hoạch phát triển công nghệ EV và phần mềm địa phương, cạnh tranh với các công ty EV quốc gia này.

Mẫu xe Toyota-bZ3-EV. Ảnh Toyota
Mẫu xe Toyota-bZ3-EV. Ảnh Toyota

Ngày 31/7 Toyota đã công bố kế hoạch phát triển công nghệ và phần mềm tại Trung Quốc, sản xuất “các phương tiện điện khí hóa có khả năng cạnh tranh” với xe điện địa phương đang chiếm lĩnh thị trường. Trang Electrek, dẫn thông cáo báo chí trên trang web Toyota Trung Quốc cho biết.

Toyota đẩy mạnh phát triển xe điện địa phương tại Trung Quốc

Thị trường Trung Quốc từng bị các nhà sản xuất ô tô nước ngoài như Toyota và Volkswagen thống trị, nhưng từ khi chuyển sang nguồn năng lượng mới phi carbon, trên thị trường xuất hiện sự gia tăng chưa từng thấy các công ty sản xuất xe điện trong nước.

Động thái giảm giá từ các nhà sản xuất xe điện hàng đầu quốc gia như BYDTesla tiếp tục gây thêm áp lực lên các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.

Theo Electrek, để đuổi kịp các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, Toyota đưa ra các kế hoạch mới, tăng tốc thiết kế và phát triển buồng lái thông minh tại địa phương để nâng cao trải nghiệm lái xe, thiết kế nội thất hiện đại và tích hợp Trí tuệ Nhân tạo (AI), niềm đam mê mà người tiêu dùng Trung Quốc đang hướng tới.

Đồng thời Toyota cũng phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp hàng đầu của doanh nghiệp như Denso và Aisin, tăng tốc độ phát triển hệ thống truyền động điện.

Toyota đã đưa ra những kế hoạch này sau khi Reuters đăng tải thông tin cho biết liên doanh Toyota với Tập đoàn ô tô Quảng Châu đã sa thải khoảng 1.000 công nhân vào tuần trước do doanh số suy giảm và áp lực kinh doanh nặng nề ở thị trường ô tô lớn nhất thế giới này.

Toyota02.jpg
Mẫu sedan điện Toyota bZ3. Ảnh FAW-Toyota

Đồng thời, Toyota cũng lên kế hoạch giảm đáng kể chi phí sản xuất bằng những sáng kiến mang tính chiến lược như phát triển nhà cung ứng địa phương, nghiên cứu lại phương thức thiết kế các bộ phận của xe và cải tiến dây chuyền sản xuất để giành lại khả năng cạnh tranh. Các sáng kiến của Toyota bao gồm:

Thay đổi tên công ty cơ sở R&D lớn nhất của Toyota Trung Quốc "Kỹ thuật và sản xuất Toyota Motor" thành "Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Điện tử Thông minh của Toyota Trung Quốc”, viết tắt là IEM của Toyota kể từ ngày 1/8.

Bố trí các kỹ sư từ 3 cơ sở R&D thuộc Công ty Nghiên cứu & Phát triển Toyota, Liên doanh GAC Toyota Motor và Công ty công nghệ BYD Toyota EV ở Trung Quốc vào dự án phát triển IEM do Toyota dẫn đầu.

Theo kế hoạch điện khí hóa phương tiện giao thông, Toyota tăng cường phát triển tại Trung Quốc tất cả các phương tiện điện khí hóa như xe điện chạy pin, xe lai sạc điện, xe lai điện và xe điện pin nhiên liệu hydro (BEV, PHEV, HEV, FCEV) để đạt được mức trung hòa carbon trên nhiều hướng phát triển. Tăng tốc phát triển hệ thống truyền động điện với các đối tác Denso và Aisin bằng phương pháp hợp tác chặt chẽ với IEM của Toyota.

Toyota tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), đẩy nhanh thiết kế và phát triển buồng lái thông minh tại Trung Quốc để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng với thiết kế không gian nội thất hoàn toàn mới và ứng dụng AI, phát triển các hệ thống hỗ trợ lái xe và lái tự động tiên tiến phù hợp hơn với tình hình thực tế tiêu dùng ở Trung Quốc.

Toyota nỗ lực giảm đáng kể chi phí sản xuất thông qua các sáng kiến ​​trong ba lĩnh vực "phát triển chuỗi nhà cung cấp địa phương", "nghiên cứu lại các phương pháp thiết kế sản xuất bộ phận, chi tiết", "cải tiến kỹ thuật chế tạo và dây chuyền sản xuất "nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh”.

Giám đốc điều hành Toyota Trung Quốc, Tatsuro Ueda trong một phát biểu về tình huống khó khăn này cho biết: “Thị trường EV Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy. Toyota và các đối tác phải làm việc cùng nhau như một nhóm chặt chẽ, thay đổi phương thức tư duy và làm việc để tồn tại ở Trung Quốc. Bằng giải pháp thúc đẩy sự phát triển chuỗi cung ứng tại địa phương với cốt lõi là IEM của Toyota, chúng tôi sẽ cố gắng phát triển và cung cấp các sản phẩm cạnh tranh có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng Trung Quốc”.

Toyota03.jpg
Các ý tưởng thiết kế EV. Ảnh : Toyota

Các công ty Nhật Bản khẩn cấp phát triển EV

Giám đốc điều hành mới được bầu Koji Sato trong một cuộc phỏng vấn sau khi tiếp nhận bàn giao vào tháng 4 cho biết: “Chúng tôi cần tăng tốc độ sản xuất và cố gắng hết sức để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng tại thị trường Trung Quốc”.

Toyota đã giảm giá chiếc SUV điện đầu tiên trong khu vực, bZ4X, vào đầu năm 2023. Đồng thời nhà sản xuất ô tô ban hành lệnh thu hồi hơn 12.000 chiếc sedan điện đầu tiên, bZ3, thương hiệu liên doanh với BYD do tay nắm cửa bị lỗi kỹ thuật.

Toyota04.jpg
Toyota bZ4X. Ảnh: Toyota

Nhà sản xuất ô tô cũng công bố kế hoạch hiện đại hóa các công nghệ sản xuất EV mới, ứng dụng đúc Giga để giảm độ phức tạp trong sản xuất, lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động hóa ứng dụng AI, ứng dụng công nghệ chế tạo tên lửa siêu thanh vào chế tạo các bộ phận để nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển pin EV thể rắn thế hệ tiếp theo nhằm tăng phạm vi hoạt động của xe và giảm chi phí sản xuất.

Toyota05.jpg
Các bộ phận của xe được đúc Giga. Ảnh: Toyota

Doanh số bán hàng của Toyota tại Trung Quốc giảm 2,8% trong nửa đầu năm 2023, riêng trong tháng 6 giảm 12,8% cùng kỳ năm 2022. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác cũng cảm thấy sức nóng đầy áp lực trên thị trường EV đang bùng nổ với sức cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc.

Trong khi đó, thị trường xe điện của Trung Quốc tiếp tục mở rộng, các nhà sản xuất ô tô trong nước BYD, NIO, XPeng, Li Auto và những hãng nước ngoài khác đang nỗ lực đưa ra những mẫu xe mới, tăng cường chất lượng sản phẩm, giảm khí thải carbon để giành thị phần.

Theo Electrek