Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết không ai có thể đảm bảo Ukraine sẽ gia nhập NATO trong vòng một thập kỷ tới và thêm rằng tư cách thành viên của nước này còn phụ thuộc vào việc họ có giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News hôm Chủ nhật vừa qua, ông Stoltenberg, người sẽ rời chức vụ vào tháng 10, được yêu cầu giải thích lý do tại sao ông hy vọng Ukraine sẽ gia nhập khối quân sự do Mỹ lãnh đạo vào năm 2034, thay vì trong vòng 3 năm.
“Không ai nói chính xác là 10 năm nhưng rõ ràng việc đưa Ukraine vào là một vấn đề rất nghiêm túc”, quan chức hàng đầu của NATO lưu ý và giải thích rằng “Ukraine hiện là một quốc gia đang có chiến tranh”.
Ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất đối với NATO hiện nay là “tăng cường hỗ trợ cho Ukraine để đảm bảo rằng Ukraine sẽ thắng thế. Đó là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ tư cách thành viên nào trong tương lai của Ukraine”.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin DPA tuần trước, ông Stoltenberg nói rằng ông hy vọng Kiev sẽ trở thành một phần của khối trong vòng một thập kỷ. Bình luận của ông được đưa ra khi Natalya Galibarenko, đại sứ Ukraine tại NATO, nói với Politico rằng Ukraine muốn nhận được một lời đề nghị “không thể đảo ngược” về tư cách thành viên cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh của khối tổ chức từ ngày 9 đến 11/7 ở Washington.
Các thành viên NATO ban đầu nhất trí rằng Ukraine sẽ gia nhập khối vào năm 2008 nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Sau cuộc đảo chính ở Kiev năm 2014, Ukraine hoàn toàn cam kết với mục tiêu trở thành thành viên. Vào mùa thu năm 2022, nước này chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO.
Tuy nhiên, các quan chức NATO đã nhiều lần nói rằng tư cách thành viên của Ukraine không được chấp nhận trong khi nước này đang xung đột với Nga do lo ngại leo thang.
Moscow coi việc NATO mở rộng về phía biên giới của mình là một mối đe dọa hiện hữu. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ý định gia nhập khối của Ukraine là một trong những lý do chính dẫn đến xung đột. Moscow cũng cho rằng tính trung lập của Kiev là điều kiện tiên quyết cho hòa bình bền vững với nước láng giềng.