Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 20/2, hôm thứ Sáu (19/2) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhận lời phỏng vấn với Hãng truyền hình Anh BBC. Đây là cuộc trả lời phỏng vấn quốc tế đầu tiên của ông Antony Blinken kể từ khi nhậm chức. Ông đã phê phán Trung Quốc từ chối công khai thông tin về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 và lên án Trung Quốc vì đã không chấp nhận đơn đăng ký phát sóng tại Trung Quốc của BBC, gọi Trung Quốc là “một trong số những quốc gia không cởi mở nhất thế giới”, nhưng ông từ chối bày tỏ thái độ có ủng hộ tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào năm sau hay không.
Ông Blinken chỉ ra rằng sau khi quay trở lại vũ đài quốc tế, nước Mỹ sẽ tham gia đầy đủ vào việc giải quyết các vấn đề như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và vấn đề hạt nhân Iran; đồng thời sẽ thay đổi chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông cho rằng thế giới cần thiết phải lập ra một hệ thống đảm bảo y tế tốt hơn để cảnh giác trước đại dịch; điều này đòi hỏi các quốc gia phải duy trì tính minh bạch và chia sẻ thông tin, đồng thời cho phép các chuyên gia quốc tế vào cuộc ngay trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát, nhưng thật không may điều đó đã không có ở Trung Quốc.
Ông Blinken tiết lộ rằng Mỹ đã chi ra 4 tỉ USD để viện trợ kế hoạch của Liên minh Bảo đảm vaccine COVID-19 (COVAX) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), qua đó thúc giục các quốc gia khác cũng tăng cường hỗ trợ chương trình này. Ông cảnh báo rằng, nếu virus vẫn tồn tại và lây lan, sẽ xuất hiện đột biến và dịch bệnh cũng sẽ bùng phát trở lại.
Ngoại trưởng Antony Blinken chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ khi trả lời phỏng vấn BBC (Ảnh: ETtoday). |
Ông Blinken cũng cho rằng chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Iran trong quá khứ đã thất bại và ông nhắc lại rằng ông sẽ hợp tác với các nước khác để giải quyết vấn đề Iran, bao gồm ảnh hưởng trong khu vực khác và chương trình tên lửa. Mỹ cũng sẽ xem xét chính sách Afghanistan, quyết định xem có tiếp tục rút quân hay không và cùng các nước khác gây áp lực lên Taliban để buộc họ thực hiện cam kết cắt đứt quan hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda. Ông Blinken mô tả cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar là "một cuộc ngược dòng bi thảm trong tiến trình dân chủ lịch sử" và nói sẽ theo sát diễn biến của tình hình.
Cũng theo Đông Phương, cùng ngày 19/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự Hội nghị An ninh Quốc gia Munich bằng hình thức trực tuyến qua truyền hình. Trong bài phát biểu qua truyền hình, ông nhấn mạnh với các đồng minh rằng Mỹ đã trở lại vũ đài quốc tế và kêu gọi các đồng minh hợp tác để “đối phó với mối đe dọa của các chế độ độc tài ở Nga và Trung Quốc”.
Ông Biden bày tỏ, các đồng minh quốc tế cần phải chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc, bao gồm cả việc ứng phó các hành động lạm dụng và ép buộc kinh tế của Trung Quốc. Ông cho rằng những hành động này của Trung Quốc làm suy yếu nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế, đồng thời cho rằng các doanh nghiệp ở mỗi nước cần tuân theo các quy tắc giống nhau để ngăn chặn tham nhũng do hành vi độc quyền gây ra. Ông kêu gọi các đồng minh bảo vệ các giá trị dân chủ, bảo vệ hòa bình và các giá trị chung, cũng như thúc đẩy sự thịnh vượng ở khu vực Thái Bình Dương.
Ông Biden cho rằng Mỹ và các đồng minh phải đóng vai trò hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và quy tắc trong không gian mạng. "Chúng ta phải xây dựng các quy tắc để quản lý tiến bộ công nghệ và các chuẩn mực hành vi trong không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học để chúng có thể được sử dụng để thúc đẩy con người chứ không phải để đàn áp họ. Chúng ta phải đứng lên để bảo vệ những giá trị làm cho chúng ta có thể đạt được điều này, chống lại những người muốn độc quyền và bình thường hóa việc áp bức”, ông nói.
Bộ trưởng Tài chính Yellen nói Mỹ sẽ tiếp tục duy trì thuế quan trừng phạt mà chính quyền Donald Trump trước đây đã áp đặt lên Trung Quốc (Ảnh: The Hill) |
Ông Joe Biden cho rằng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ rất gay gắt nhưng đây là điều ông dự đoán từ trước. Ông tin rằng hệ thống toàn cầu mà Mỹ, châu Âu và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khác đã xây dựng trong 70 năm qua có thể đối phó hiệu quả với Trung Quốc. Ông cũng đồng thời đề cập đến các mối đe dọa từ Nga, cáo buộc Nga đang mưu đồ làm suy yếu châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ sửa chữa quan hệ với các đồng minh châu Âu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo tại cuộc họp rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đe dọa đến an ninh xuyên Đại Tây Dương, sự phồn vinh và lối sống, các đồng minh phương Tây cần phải thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này.
Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều bình luận: “Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên xuất hiện tại Hội nghị An ninh Munich và Hội nghị Thượng đỉnh Tập đoàn Bảy quốc gia phát triển (G7), đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc”.
Hãng thông tấn Pháp AFP chỉ ra rằng phát biểu của ông Biden được coi là nhất trí với đường lối kinh tế đối phó Trung Quốc của người tiền nhiệm Donald Trump. Điều này cũng có thể thấy trong tuyên bố liên quan của bà Bộ trưởng Tài chính Janet Louise Yellen hôm 18/2. Bà Yellen nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các mức thuế quan trừng phạt mà chính quyền Donald Trump trước đây đã áp đặt lên Trung Quốc.