Quyết định của Ankara năm 2017 khi mua hệ thống phòng không tối tân bậc nhất của Moscow với giá 2,5 tỉ USD đã khiến cho quan hệ giữa nước này với các đồng minh trong NATO trở nên căng thẳng. Sự việc cuối cùng khiến cho Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chiến đấu cơ F-35 và áp lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng nước này.
“Nếu như người Mỹ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot” thì Ankara đã không mua S-400 từ Nga rồi; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói.
“Chúng tôi mua vũ khí cho chúng tôi”, ông Erdogan nói với tờ New York Times bên lề Đại hội đồng LHQ tổ chức hồi tuần trước – “Tôi cho rằng đáng để làm vậy. Chúng tôi có thể tăng cường hàng phòng thủ của mình, điều đó làm chúng tôi hài lòng”.
Tổng thống Erdogan cũng nhấn mạnh rằng, bất chấp tình hình căng thẳng, mối quan hệ giữa Ankara với Washington vẫn mạnh mẽ. “Thổ Nhĩ Kỳ đã có quan hệ với Mỹ từ lâu. Quan hệ đó sẽ được củng cố và cần được bảo vệ”, ông nói.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ ra rằng họ có ý định tiếp tục mua thêm hệ thống S-400 từ Nga trong tương lai. Gói hàng đầu tiên, được bàn giao vào năm 2019, đã khiến quan hệ Mỹ-Thổ lao dốc. Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển F-35, cấm họ mua chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, và đến cuối năm 2020 đã áp lệnh trừng phạt đối với Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ cũng liên tục bác bỏ cáo buộc rằng họ từ chối bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo giới truyền thông, Ankara đã “đóng băng” các cuộc đàm phán với Washington về Patriot và tìm tới Nga sau khi Mỹ từ chối bán cho họ Patriot sử dụng một khoản cho vay, và không chịu ký một điều khoản chuyển giao công nghệ đi kèm.
Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói rằng đất nước ông vẫn để ngỏ khả năng mua Patriot của Mỹ. Nhưng Washington từng chỉ ra rằng họ sẽ không bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nữa.
Trong hôm đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Bob Menendez, cảnh báo rằng Washington sẽ áp thêm lệnh trừng phạt với Ankara nếu như họ mua thêm S-400 từ Nga.
“Chúng tôi đã nêu rất rõ khi viết ra Đạo luật Chống kẻ thù của Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA)” – ông Menendez nói – “Các lệnh trừng phạt được áp đối với bất kỳ thực thể nào có làm ăn với quân đội hay lĩnh vực tình báo của Nga. Bất cứ thương vụ nào của Thổ Nhĩ Kỳ (với Nga) đều sẽ khiến họ bị áp thêm lệnh trừng phạt”.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng đã áp dụng CAATSA đối với Trung Quốc, và thậm chí còn đe dọa nhằm vào Ấn Độ - hiện có thỏa thuận mua S-400 của Nga với tổng giá trị hợp đồng lên tới 5,5 tỉ USD. New Delhi dự kiến sẽ nhận đợt hàng đầu tiên vào tháng 11 tới đây.
Tổng thống Erdogan đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi, Nga trong hôm 29/9. Hai nhà lãnh đạo được cho là đã thảo luận về hàng loạt vấn đề song phương. Trước chuyến thăm, ông Erdogan hứa hẹn sẽ nêu vấn đề S-400 với ông Putin. Sau cuộc gặp, ông nói với các phóng viên rằng “quy trình mua S-400 vẫn tiếp tục” và rằng “chúng tôi sẽ không lùi bước”.