Một nguồn tin cho biết, tại cuộc gặp sắp tới giữa tổng thống hai nước sẽ diễn ra vào ngày 14/6 tới đây có thể sẽ giải quyết được tranh chấp. Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đã khiến Washington áp đặt các lệnh trừng phạt quân sự đối với Ankara.
Theo Defense World đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Wendy Sherman hôm 28/5 đã cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN Turk hôm: “Chúng tôi đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ một phương án thay thế. Nếu họ muốn kết thúc các lệnh trừng phạt này, họ hoàn toàn biết phải làm gì”. Hàm ý của bà là Mỹ đã sẵn sàng cho Thổ Nhĩ Kỳ lui bước, đây cũng có thể được coi là một sự thỏa hiệp của Mỹ.
Mấy ngày sau, Ankara cũng đưa ra phản hồi, hãng Bloomberg đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ gửi về nước các cố vấn quân sự Nga đang đóng tại Thổ Nhĩ Kỳ, những người này là chuyên gia hướng dẫn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vận hành hệ thống tên lửa phòng không S-400.Sau khi các cố vấn Nga này về nước cũng có nghĩa là các hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ ở vào trạng thái dừng hoạt động.
Các chuyên gia Nga giúp Thổ Nhĩ Kỳ vận hành hệ thống S-400 sẽ phải về nước (Ảnh: defenseworld). |
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã chỉ ra rằng việc đưa các chuyên gia Nga ra đi là một cách nhượng bộ; nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ khởi động các hệ thống S-400 trong trường hợp khẩn cấp quốc gia. Trong điều kiện bình thường, S-400 sẽ không hoạt động, tức là nó sẽ không gây ra mối đe dọa nào cho tiêm kích tàng hình F-35.
Trước đó, có thông tin tiết lộ chính quyền Biden quyết định nhượng bộ. Vào tuần trước, Mỹ đã thông qua giấy phép xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ cho phép họ bán 6 trực thăng vũ trang T-129 cho Philippines, vì động cơ của loại trực thăng này của Mỹ, do đó muốn bán nó Thổ Nhĩ Kỳ phải được Mỹ cho phép. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã chọn cách chặn lại, nay ông Biden đã bật đèn xanh, rõ ràng là một tín hiệu rõ ràng.
Một lý do khác khiến Mỹ nhượng bộ lúc này có thể là muốn giảm giá thành sản xuất tiêm kích tàng hình tối tân F-35. Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất F-35 và chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 900 bộ phận khung thân máy bay. Mặc dù Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chuỗi cung ứng vào năm ngoái nhưng việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế là một việc rất phức tạp, không chỉ khiến tiến độ sản xuất F-35 bị chậm trễ mà còn làm tăng giá thành chế tạo loại chiến cơ này.
Máy bay vận tải Nga chở các hệ thống S-400 tới Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: aljazeera). |
Thứ trưởng phụ trách Mua sắm và Hậu cần của Bộ Quốc phòng Mỹ, Ellen Lord, đã tuyên bố tại Thượng viện ngày 1/10/2020 rằng theo hợp đồng, Mỹ có thể tiếp tục nhận các bộ phận cần thiết từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến ít nhất là trước năm 2022. Việc ngừng sản xuất hoàn toàn ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm tăng thêm chi phí để thay thế khoảng 1 tỉ USD, điều này sẽ làm chậm tiến độ sản xuất loại máy bay chiến đấu này.
Mặc dù Lầu Năm Góc cũng cho biết đã tìm được nhà cung cấp linh kiện mới để thay thế Thổ Nhĩ Kỳ nhưng họ chưa hề công bố nhà cung cấp mới là đơn vị nào và các thông tin chi tiết khác.
Ngoài các vấn đề chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ không mắc sai lầm nào trong việc cung cấp các bộ phận của F-35, thậm chí có thể nói đây là nhà cung cấp chất lượng cao. Vào tháng 6/2018, Giám đốc điều hành dự án F-35 lúc đó là Tướng Mat Winter cho biết: “844 bộ phận được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ đều có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và được giao hàng đúng thời hạn, đó là một trong những đối tác tốt nhất của chúng ta".
Do đó, ông Joe Biden hy vọng có thể giải quyết xung đột S-400 bằng cách mỗi bên đều nhượng bộ nhau, để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là nhà cung cấp các linh kiện của F-35. Bằng cách này, có thể hạ thấp được rủi ro sản xuất và giá thành chế tạo F-35. Đó là một kết quả tốt.
Trong khi đó, theo tin của hãng tin Nga Sputnik ngày 3/6, một số cơ quan truyền thông đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch trục xuất các chuyên gia kỹ thuật Nga đến Thổ theo hợp đồng mua bán hệ thống phòng không S-400 để đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc chấm dứt sự có mặt của nhân viên quân sự Nga trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Cục Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga đã lên tiếng bác bỏ vấn đề này.
Tin cho biết, bà Valeria Reshetnikova, người phát ngôn Cục Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga nói: "Việc các chuyên gia kỹ thuật Nga liên quan đến hợp đồng S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước sẽ được thực hiện theo thời gian biểu đã được phê duyệt trước đó".
Tới đây Mỹ sẽ bàn giao các máy bay F-35 Thổ Nhĩ Kỳ đã mua sau khi các hệ thống S-400 bị niêm cất (Ảnh: chinatimes). |
Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đã tuyên bố trong chuyến thăm Athens rằng “việc các nước khác yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga là không thể chấp nhận được”. Ông Cavusoglu nói rằng S-400 sẽ do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát 100%. Quân đội Nga sẽ không xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 vào năm 2017 và bắt đầu giao hàng vào tháng 7/2019. Vụ mua bán vũ khí này đã làm nổ ra cuộc tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, vì Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tham gia chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ và đang chờ nhận máy bay chiến đấu này.
Phía Mỹ nói, trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ hợp đồng mua S-400 với Nga, họ sẽ không giao máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì Mỹ cho rằng hệ thống tên lửa phòng không của Nga không tương thích với các hệ thống của NATO và gây ra mối đe dọa đối với F-35, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng S-400 sẽ độc lập với các hoạt động của NATO.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova nói rằng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, điều này một lần nữa cho thấy Washington không có khả năng cạnh tranh một cách công bằng