Bắc Cực - miền đất giàu tài nguyên
Giữa tuần qua, trước thềm Hội nghị quốc tế lần thứ IV về Bắc Cực, Tổng thống Nga Putin với sự tháp tùng của Thủ tướng Medvedev, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu đã bay đến thăm đảo Zemlya Aleksandra thuộc quần đảo Frantsa Iosif (Bắc Cực).
Cùng đi còn có Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Donskoi, Đại diện đặc biệt của Tổng thống về hoạt động bảo vệ thiên nhiên, môi trường và giao thông Sergey Ivanov.
Thông tin chính thức thì đây là chuyến đi thị sát và kiểm tra kết quả việc khắc phục những tổn hại về môi trường khu biển Bắc, công việc mà ông Putin khi đó còn là Thủ tướng đã chỉ thị tiến hành từ năm 2011, một năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.
Bộ trưởng Sergey Donskoi báo cáo với Tổng thống rằng, trong khuôn khổ chương trình khắc phục hậu quả tác động đến môi trường do những hoạt động của con người trước đây gây ra, 6 hòn đảo đã được làm sạch với số rác được thu gom và xử lý lên đến 42.000 tấn. Số rác thải này gồm chủ yếu là các thùng kim loại đựng nhiên liệu và than đá đã qua sử dụng.
Tổng kinh phí đã sử dụng để thực hiện chương trình lên tới 2,5 tỷ rúp. Thời gian tới, chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư thêm. Tổng thống và Thủ tướng đã tận mắt chứng kiến kết quả của chương trình. Mặc dù nhiệt độ bên ngoài là 27 độ âm, và gió thổi mạnh, nhưng hai ông vẫn leo lên chòi quan sát, từ đó, có thể thấy một vùng không gian rộng lớn đã sạch bóng những đống rác chất chồng trong những năm trước.
Quần đảo Frantsa Iosif nằm ở vị trí chỉ cách điểm cực Bắc bán cầu chừng 900km, với diện tích chừng 16.000 km2, chỉ là một phần rất nhỏ của vùng đất vô cùng rộng lớn thuộc Nga, được gọi chung là Vùng Arktikca (Cực Bắc). Nơi đây chỉ có 1,55% dân số nước Nga sinh sống.
Đây là một vùng vô cùng giàu có về các loại khoáng sản, chiếm phần chủ yếu trong tổng tài nguyên đã được thăm dò và xác định của nước Nga. Hiện, vùng này khai thác tới 90% nikel và cobalt, 80% khí đốt tự nhiên, 60% lượng dầu và phần lớn kim cương của nước Nga. Thư ký Hội đồng Liên bang Nga Nicolai Partushev cho biết, vùng Cực Bắc đóng góp tới 11% nguồn thu quốc gia và gần 20% GDP.
Hậu phương chiến lược trong trường hợp chiến tranh hạt nhân
Mặc dù trước thềm hội nghị quốc tế về Bắc Cực, Phó Thủ tướng Nga có phát biểu: “Bắc Cực là nơi mà Nga và các nước NATO không có những vấn đề về hợp tác”, nhưng một số chuyên gia cho rằng, đó chỉ là lời hay ý đẹp mà thôi.
Thực chất, để đáp trả lại việc NATO triển khai các hệ thống phòng không đến sát biên giới Nga, suốt mấy năm nay, Putin đã lệnh cho quân đội bố trí các lực lượng chiến lược tại Bắc Cực, sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất.
Trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra, Bắc Cực sẽ có vai trò then chốt đối với sự sống còn của Nga. Đó là hướng duy nhất mà Mỹ không thể triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tại các khu vực tiền duyên, sát với biên giới Nga. Điều đó có nghĩa là, phía Mỹ không có khả năng bắn hạ các tên lửa xuyên lục địa của Nga, nếu như chúng bay theo hướng qua Bắc Cực. Là bởi vì, tại đó, Mỹ không thể triển khai hoàn chỉnh hệ thống phòng thủ chống tên lửa trên các hạm tàu Hải quân do biển đóng băng phần lớn thời gian trong năm. Thậm chí kể cả trong mùa hè, khi tàu bè có thể di chuyển thì các chiến hạm Mỹ vẫn cần phải vượt qua tuyến phòng thủ của Nga trên quần đảo Zemlia Frantsa Iossif, nơi vừa diễn ra chuyến thị sát của Tổng thống Putin. Vì thế có thể nói, đó là chuyến đi chuẩn bị hậu phương chiến lược của Nga nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra.