Tổng thống Mỹ ra "tối hậu thư" với Israel sau vụ tấn công đẫm máu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Những hành động của Israel tại Gaza, đặc biệt là vụ tấn công gần đây khiến 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng, dường như đã khiến Tổng thống Mỹ mất đi kiên nhẫn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra "tối hậu thư" với Israel về cuộc chiến ở Gaza (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra "tối hậu thư" với Israel về cuộc chiến ở Gaza (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/4 (giờ Mỹ) đã đưa ra tối hậu thư cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là phải bảo vệ thường dân Palestine và nhân viên cứu trợ nước ngoài ở Gaza, bằng không Washington có thể hạn chế hỗ trợ cho Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas.

Thông điệp này được đưa ra sau nhiều tháng Mỹ kêu gọi Israel thay đổi chiến thuật quân sự đã khiến hàng chục nghìn người Palestine thiệt mạng. Tiếp sau đó là một cuộc tấn công của Israel khiến 7 nhân viên cứu trợ của World Central Kitchen (WCK) thiệt mạng và gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn cầu.

Phía Israel đã thừa nhận rằng vụ tấn công này là một sai lầm của họ.

Nhà Trắng không cho biết chính xác những nước đi mà họ muốn ông Netanyahu thực hiện cũng như những gì họ sẽ làm nếu không làm theoi. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Washington có thể trì hoãn quá trình chuyển giao vũ khí của Mỹ cho Israel, hoặc ngừng ủng hộ Israel trước Liên hợp quốc.

“Trên thực tế, Tổng thống đang nói rằng hãy đáp ứng những nhu cầu nhân đạo này nếu không tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra điều kiện hỗ trợ (quân sự)", Dennis Ross, một nhà ngoại giao kỳ cựu hiện đang làm việc tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, nhận định.

Ông Biden, sẽ tái tranh cử vào tháng 11 tới, đang phải hứng chịu sức ép từ phía các đảng viên Dân chủ phải hối thúc ông Netanyahu có biện pháp giảm thương vong người Palestine. Tình trạng thường dân Palestine thiệt mạng có thể khiến các cử tri ủng hộ Israel xa lánh ông Biden. Cho đến thời điểm hiện tại, ông Biden vẫn do dự trong việc đặt ra điều kiện chuyển giao vũ khí cho Israel.

2.png
Người Palestine đi ngang qua đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc tấn công của Israel, phía bắc Dải Gaza ngày 31/3/2024 (Ảnh: Reuters)

Chiến sự bắt đầu sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas nhằm vào Israel khiến 1.200 người thiệt mạng, theo thống kê của Israel. Vụ việc khiến Israel tung ra chiến dịch đáp trả nhằm vào dải lãnh thổ nhỏ hẹp đông dân cư, và khiến phần lớn trong số 2,3 triệu người dân phải sơ tán.

Theo Bộ Y tế ở Gaza do Hamas quản lý, hơn 33.000 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Israel cáo buộc Hamas sử dụng dân thường làm lá chắn sống.

Trong tuyên bố mới nhất, Nhà Trắng cho biết ông Biden kêu gọi Israel “công bố và thực hiện một loạt các bước cụ thể và có thể đo lường được để giải quyết tổn hại dân sự, vấn đề nhân đạo và sự an toàn của nhân viên cứu trợ”.

“Ông ấy (Tổng thống Biden) nói rõ rằng chính sách của Mỹ đối với Gaza sẽ được xác định dựa trên đánh giá của chúng tôi về hành động tức thì của Israel đối với những bước đi này”, Nhà Trắng cho biết thêm trong một tuyên bố.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong khi đó, đã đưa ra luận điệu thẳng thừng hơn.

“Hãy nhìn xem, tôi chỉ nói điều này: nếu chúng tôi không thấy những thay đổi mà chúng tôi cần, thì sẽ có những thay đổi trong chính sách của chúng tôi”.

Vào tối 4/4, chỉ vài giờ sau cuộc gọi, chính phủ Israel đã công bố một số bước đi nhằm tăng cường dòng viện trợ đến Gaza, bao gồm mở cảng Ashdod và cửa khẩu Erez vào phía bắc Gaza và tăng cường chuyển hàng viện trợ từ Jordan. Không rõ liệu các bước đi mới có đủ để đáp ứng yêu cầu của Mỹ hay không.

Cuộc điện đàm căng thẳng

Bước ngoặt đối với ông Biden, vốn là người ủng hộ nhiệt thành của Israel, chính là cuộc tấn công đẫm máu mà Israel thực hiện trong hôm đầu tuần này nhằm vào các nhân viên nhóm từ thiện WCK của đầu bếp nổi tiếng Jose Andres.

Vụ việc xảy ra trong lúc chính quyền Biden đang tăng cường sức ép với Israel để xem xét các giải pháp thay thế cho một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào thành phố Rafah phía nam Gaza, nơi trú ẩn cuối cùng cho dân thường ở dải đất ven biển.

Một nguồn tin giấu tên quen thuộc với các cuộc đàm phán nói với Reuters rằng cuộc điện đàm giữa ông Biden và Netanyahu kéo dài 30 phút, đôi khi rất căng thẳng. Trong cuộc gọi, ông Biden nêu ra những quan ngại của mình và ông Netanyahu bảo vệ cách tiếp cận của mình đối với Gaza.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng mô tả cuộc trò chuyện là "rất trực tiếp, rất thẳng thắn" và cho biết nó có sự tham gia của Phó Tổng thống Kamala Harris, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Ngoại trưởng Blinken.

Mặc dù ông Biden luôn muốn tránh cắt giảm sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel nhưng dường như ông đã đạt đến giới hạn của mình.

“Luôn có một thời điểm mà chính quyền Biden cảm thấy rằng chi phí trong nước và quốc tế để hỗ trợ chiến dịch của Israel ở Gaza lớn hơn lợi ích mà Israel có thể đạt được trên thực địa”, Mike Singh, cựu quan chức An ninh Quốc gia, cho biết.