|
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky của Ukraine tại Điện Elysee vào ngày 7/6 (Ảnh: Getty) |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có hành động cụ thể về khả năng triển khai quân đội NATO ở Ukraine khi thực hiện các bước để thành lập một liên minh gồm các huấn luyện viên quân sự, những người sẽ làm việc bên trong lãnh thổ Ukraine để chuẩn bị cho binh lính Kiev chiến đấu với lực lượng Nga.
“Chúng tôi muốn có một liên minh vì lý do hiệu quả và một số đối tác của chúng tôi đã đưa ra thỏa thuận”, ông Macron nói với các phóng viên hôm 7/6 tại Paris. “Chúng tôi sẽ tận dụng những ngày sắp tới để hoàn thiện khối liên minh lớn nhất có thể có khả năng đáp ứng yêu cầu của Ukraine”.
Ông Macron không nêu tên các quốc gia, ngoài Pháp, đã cam kết cử huấn luyện viên quân sự tới Ukraine. Ông lập luận rằng việc cử các chuyên gia đến thực hiện công việc đào tạo ở Ukraine sẽ không gây ra phản ứng từ phía Nga.
“Chúng tôi không có chiến tranh với Nga. Chúng tôi không muốn leo thang, nhưng chúng tôi muốn làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp Ukraine kháng cự. Có phải đây là một sự leo thang nếu Ukraine yêu cầu chúng tôi huấn luyện binh sĩ được huy động trên đất của mình? Không, điều đó không có nghĩa là triển khai người dân – binh lính châu Âu hoặc đồng minh – trên tiền tuyến”, ông Macron nói.
Ông Macron đưa ra bình luận này sau khi đón tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới thăm. Ông tuyên bố hôm 6/6 rằng Pháp sẽ gửi máy bay chiến đấu Mirage 2000 tới Kiev và đào tạo phi công Ukraine. Được biết, phải đến khoảng cuối năm nay, các phi công mới sẵn sàng lái máy bay chiến đấu.
Lực lượng Pháp đã huấn luyện khoảng 10.000 binh sĩ Ukraine ở Pháp và các nước NATO khác. Lithuania và Estonia cũng đã công khai gợi ý rằng họ sẵn sàng triển khai các huấn luyện viên ở Ukraine. Trên thực tế, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas hồi tháng trước cho biết các huấn luyện viên của NATO đã hoạt động ở Ukraine.
Các quan chức Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng bất kỳ nhân viên quân sự nước ngoài nào ở Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu tấn công hợp pháp, bất kể nhiệm vụ và địa điểm của họ. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng "lời lẽ hùng biện hiếu chiến" và những tuyên bố khiêu khích của ông Macron đã làm leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine.
Macron bắt đầu đưa ra những bình luận công khai về khả năng triển khai quân tới Ukraine vào tháng 2, gây ra sự phản đối từ một số đồng minh NATO và Điện Kremlin cảnh báo rằng một bước đi như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã bác bỏ đề xuất của Macron về việc gửi huấn luyện viên quân sự đến Kiev, với lý do lo ngại rằng những đội quân đó có thể nằm trong tầm bắn và gây ra căng thẳng leo thang.