Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê chuẩn vụ không kích này nhằm đáp trả vụ nã rocket ở Iraq và những mối đe dọa đối với người dân Mỹ tại đó; John F. Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc nói.
Vào ngày 15/2, một vụ tấn công bằng rocket đã xảy ra tại sân bay ở Erbil, miền Bắc Iraq, khiến 1 nhà thầu người Philippines làm việc cùng liên minh quân sự Mỹ dẫn đầu thiệt mạng cùng 6 người khác bị thương, trong đó bao gồm 1 lính Vệ binh Quốc gia bang Louisiana và 4 nhà thầu Mỹ.
Giới chức Mỹ cho hay, vụ không kích mà họ thực hiện có quy mô khá nhỏ, được thực hiện một cách tỉ mỉ: 7 trái bom được thả xuống một tổ hợp các khu nhà nhỏ ở khu vực cửa khẩu nằm ở biên giới Syria-Iraq, nơi thường diễn ra hoạt động buôn lậu vũ khí.
Vụ không kích được thực hiện ở phần biên giới của Syria để tránh các vấn đề ngoại giao với chính phủ Iraq. Lầu Năm Góc trước đó đề xuất không kích nhóm mục tiêu lớn hơn, nhưng ông Biden chỉ phê duyệt lựa chọn tấn công nhóm nhỏ hơn; New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay.
Vụ không kích do Mỹ thực hiện hôm thứ Năm vừa qua “đã tiêu hủy nhiều cơ sở nằm ở điểm chốt kiểm soát biên giới được các tay súng phiến quân Iran hậu thuẫn sử dụng, trong đó có nhóm Kataib Hezbollah và Kataib Sayyid al-Shuhada”; ông Kirby cho hay.
“Phản ứng quân sự tương xứng này được thực hiện cùng với các biện pháp ngoại giao, trong đó bao gồm việc tham vấn với các đối tác trong liên minh” – ông Kirby nói – “Chiến dịch này gửi đi một thông điệp: Tổng thống Biden sẽ hành động để bảo vệ người dân Mỹ và nhân sự trong liên minh”.
Ông Kirby cho hay đòn trả đũa của Mỹ là nhằm trừng phạt những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công bằng rocket, chứ không phải để tăng sự thù địch với Iran, bởi chính quyền Biden đang tìm cách làm mới các vòng đàm phán về thỏa thuận hạt nhân mà cựu Tổng thống Donald Trump từng rút khỏi.
Trước đó, vụ tấn công bằng rocket tại sân bay Erbil được nhận trách nhiệm bởi một nhóm ít biết tới có tên là Awliya al Dam – có nghĩa là Người bảo vệ Máu. Nhóm này cũng tuyên bố nhận trách nhiệm 2 vụ đánh bom nhằm vào đoàn xe chở nhà thầu Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái.
Rất ít người biết về nhóm này, và cũng không rõ liệu nó có được Iran hậu thuẫn hay không. Một số quan chức Mỹ còn cho rằng nhóm này thực chất là một nhánh của nhóm phiến quân người Shia.
Michael P. Mulroy, cựu quan chức phụ trách chính sách Trung Đông của Lầu Năm Góc, cho rằng vụ không kích có quy mô hạn chế này dường như là nhằm đánh tín hiệu rằng, việc Iran sử dụng các nhóm ủy thác cũng không thể tránh phải chịu trách nhiệm vì tấn công người Mỹ. Nhưng thời điểm và địa điểm diễn ra vụ không kích lại đáng chú ý.
“Quyết định tấn công Syria thay vì Iraq dường như là để tránh gây ra vấn đề với chính phủ Iraq, một đối tác quan trọng trong nỗ lực chống ISIS” – ông Mulroy nói – “Rất thông minh khi tấn công ở Syria và tránh bất đồng với Iraq”.
Tổng thống Biden đã thảo luận về các vụ tấn công bằng rocket qua cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi hôm thứ Ba tuần này. Một tuyên bố của Nhà Trắng sau đó nói rằng hai nhà lãnh đạo nhất trí “rằng những kẻ đứng đằng sau những vụ tấn công như vậy cần phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”.
Vụ không kích trả đũa, diễn ra vào khoảng 18h00 ngày 25/2 (giờ Mỹ, 2h00 sáng ngày 26/2 ở Syria), đã được lên kế hoạch trong vài ngày, trong lúc các cơ quan tình báo Mỹ làm việc để nắm chắc về mục tiêu chịu trách nhiệm cho vụ tấn công bằng rocket.
Giới chức Mỹ nói rằng vụ không kích đã tiêu diệt “một nhóm” phiến quân, nhưng Lầu Năm Góc lại không công khai đánh giá chi tiết.
Trong khi kênh Saberin News Telegram, có liên hệ với nhóm phiến quân Iran hậu thuẫn ở Iraq, đưa tin vụ không kích khiến 1 người chết và một vài người bị thương. Hãng tin nói rằng vụ không kích đánh trúng mọt tòa nhà bỏ trống và một cơ sở khác mà nhóm trên sử dụng. Các căn cứ này nằm trong khu vực ở giữa Al Qaem và Abu Kamal, gần biên giới Syria-Iraq.