Tổng thống Biden nói Mỹ "chưa có sự đồng thuận" về đề xuất dỡ bỏ hạn chế của Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Mỹ từ chối yêu cầu của Kiev dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp.

Hệ thống M270 MLRS của Mỹ phóng tên lửa ATACMS (Ảnh: Getty)
Hệ thống M270 MLRS của Mỹ phóng tên lửa ATACMS (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do nước ngoài cung cấp để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga hay không. Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky làm mới lời kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp.

Ông Biden làm rõ lập trường của Nhà Trắng ngay trước khi lên chiếc Không lực Một tại Sân bay Quốc tế Berlin Brandenburg hôm 18/10.

Khi được hỏi liệu ông có thay đổi quan điểm về vấn đề Ukraine tấn công lãnh thổ Nga hay không, ông Biden trả lời: “Hiện tại, chưa có sự đồng thuận về vũ khí tầm xa”.

Sau đó, một phóng viên hỏi ông Biden điều gì sẽ xảy ra để Washington sửa đổi quan điểm của mình, Tổng thống trả lời: “Tôi sẽ không suy đoán”.

Ông Biden tái khẳng định rằng, mặc dù từ chối yêu cầu của ông Zelensky nhưng Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev. “Chúng tôi sẽ ở lại với Ukraine. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng họ tiếp tục có đủ sức mạnh”, ông nói với các phóng viên.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 425 triệu USD, bao gồm bổ sung tên lửa phòng không và chống tăng cũng như đạn pháo, cho Ukraine.

Tiết lộ “kế hoạch chiến thắng” của mình với các nhà lập pháp Ukraine trong tuần này, ông Zelensky nhắc lại lời kêu gọi cho phép sử dụng vũ khí tầm xa “trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng và trên lãnh thổ của Nga” đồng thời yêu cầu các đối tác nước ngoài cung cấp cho Kiev tên lửa và máy bay không người lái “thích hợp”. Ukraine trước đó đã đệ trình danh sách sửa đổi các mục tiêu đề xuất cho tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp.

Washington cho đến nay vẫn từ chối cho phép sử dụng ATACMS cho các mục tiêu ở xa bên trong lãnh thổ Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng trước lập luận rằng sự thay đổi như vậy sẽ không “có tính quyết định trong chiến dịch này”.

Về phần mình, Moscow cảnh báo rằng việc tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev sẽ gây ra một làn sóng leo thang nguy hiểm mới. Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 9 cho biết quyết định bật đèn xanh cho việc sử dụng vũ khí tầm xa sẽ đồng nghĩa với việc các nước NATO sẽ "có chiến tranh với Nga".