Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam kiến nghị giữ nguyên diện tích hiện tại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sáng nay, 7/1/2021, tại cuộc gặp gỡ báo chí đầu năm 2021, ông Huỳnh Văn Bảo  - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - trả lời VietTimes, kiến nghị giữ nguyên diện tích rừng trồng như hiện tại.
Ông Huỳnh Văn Bảo - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí sáng ngày 7/1 (Ảnh: Hoà Bình)
Ông Huỳnh Văn Bảo - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí sáng ngày 7/1 (Ảnh: Hoà Bình)

Giữ nguyên diện tích hiện tại là hợp lý

Liên quan đến nhận định về cây cao su có độc hay không, khiến công chúng quan tâm, VietTimes đã có nhiều bài viết phân tích chi tiết, trong đó phải kể đến bài phỏng vấn ông Nguyễn Anh Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su và bài phỏng vấn GS. Hoàng Hoè - nguyên Viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch rừng. Trong cuộc trao đổi, GS. Hoàng Hoè đã đặt vấn đề về việc nên nghiêm túc nhìn lại việc quy hoạch rừng trồng cao su và theo GS.Hoè thì tình trạng trồng ồ ạt, tràn lan, ước tính hiện nay diện tích rừng trồng cao su lên đến hơn 1 triệu ha, nhiều cánh rừng cao su không còn đủ điều kiện phù hợp để phát triển.

Về vấn đề quy hoạch diện tích rừng cao su, trả lời câu hỏi của VietTimes, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho hay: “Về quy hoạch diện tích rừng cây công nghiệp lâu năm là cây cao su, Tập đoàn đã có kiến nghị gửi Chính phủ, đề nghị giữ nguyên diện tích hiện tại là hợp lý, hoặc có thể giảm xuống một chút, khoàng 800.000 ha là vừa. Tuy nhiên, cần xem xét quy hoạch tổng thể về các vùng, miền, địa phương trồng cao su. Chẳng hạn như vùng Đông Nam bộ phù hợp nhất cả về thổ nhưỡng lẫn khí hậu, cao su cho năng suất cao thì có thể tăng thêm. Ngược lại những vùng đã cho thấy chưa phù hợp, năng suất thấp thì nên giảm bớt lại”.

Ông Huỳnh Văn Bảo đánh giá: “Ở thời điểm hiện tại, mọi người nhìn nhận về cây cao su khác với giai đoạn mới bắt đầu nhập loại cây này về Việt Nam. Ở thời điểm đó, nếu không có cây cao su là nguồn thu ổn định kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời góp phần ổn định trật tự xã hội, thì không biết khu vực các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên còn mất ổn định đến đâu. Thực tế cho thấy, mỗi người công nhân cao su đều là một “người lính” trên mặt trận bảo vệ trật tự an ninh, xã hội trên địa bàn. Về yếu tố này, cho dù chúng ta có đầu tư bao nhiêu lực lượng dân phòng, tự vệ cũng không đủ”.

“Cây cao su cũng như tất cả các loài cây khác. Chúng tôi mong công chúng đừng hiểu lầm về cây cao su nhưng chúng tôi cũng không thể nói tốt quá nhiều về ngành của mình. Hãy cứ để các nhà khoa học lên tiếng sẽ khách quan hơn và có thể công chúng sẽ tin tưởng hơn. Như thời gian vừa rồi, không chỉ có một mình ông Nguyễn Anh Nghĩa trả lời trong bài báo đầy tính khoa học với VietTimes, mà còn có nhiều nhà khoa học khác đã lên tiếng về cây cao su” – Ông Huỳnh Văn Bảo nhấn mạnh.

Rừng cao su Tây Ninh năm 2018 (Ảnh: Nguyễn Anh Nghĩa)

Rừng cao su Tây Ninh năm 2018 (Ảnh: Nguyễn Anh Nghĩa)

Xây dựng mục tiêu phát triển cho giai đoạn 2021-2025

Theo báo cáo của Tập đoàn Cao su, đầu năm 2019, trước tình hình giá bán mủ cao su giảm mạnh, Tập đoàn đã ứng dụng nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng CNTT trong giao dịch thương mại và bán hàng thay vì phương thức truyền thống phải làm việc trực tiếp như trước đây.

Kết thúc năm 2020, chỉ tiêu hợp nhất, doanh thu và thu nhập khác ước đạt 25.477 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.067 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch.

Chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của riêng Công ty mẹ - Tập đoàn đạt doanh thu 4.513 tỷ đồng, bằng 126% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.610 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch. Riêng về tiền lương, năm 2020 tăng 7,9 % so với 2019 chứ không bị cắt giảm tiền lương như nhiều ngành đã buộc phải thực hiện vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các con số trên cho thấy ngành cao su vẫn giữ được mức độ tăng trưởng, cho dù năm 2020 là một năm sóng gió, bão tố đối với mọi ngành kinh tế.

Dự kiến kế hoạch kinh doanh của năm 2021 sẽ mang lại doanh thu ước đạt 27.000 tỷ đồng, tương đương 106% so với 2020; lợi nhuận sau thuế là 5.700 tỷ đồng, tương đương 114% so với 2020.

Ông Huỳnh Văn Bảo khẳng định: “Năm 2021 là năm mở đầu trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, với quyết tâm từ Quốc hội và Chính phủ, đưa mức tăng trưởng cao hơn gấp đôi năm 2020. Với vai trò là một tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có nghĩa vụ cùng các cơ quan, ban ngành, địa phương phấn đấu khai thá hiệu quả tiềm năng hiện có, xây dựng kế hoạch tăng trưởng so với năm 2020 và quyết tâm tập trung hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư, phát huy tối đa hiệu quả những ngành nghề, sản phẩm mà Tập đoàn đã có lợi thế”.

Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chú trọng quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả đất đai đã được thuê, thực hiện luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng (bao gồm cả cây rừng gỗ lớn), quan tâm phát triển các cây trồng có hiệu quả cao, đủ điều kiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Công nghiệp Cao su cho biết sẽ tiếp tục thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và đề án tái cơ cấu Tập đoàn sau cổ phần hoá đến năm 2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt.