Nghiên cứu từ Indonesia: Cây cao su giúp tăng O2 và giảm CO2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Thông tin cây cao su hấp thụ khí O2 và thải ra CO2 của một nữ đại biểu quốc hội hôm 5/11 đã tạo ra làn sóng tranh luận trên các diễn đàn và mạng xã hội thời gian gần đây. Tuy nhiên, đó không phải là một thông tin chính xác.

Cây cao su có thực sự hấp thụ O2 và thải ra CO2 như lời nữ đại biểu quốc hội?
Cây cao su có thực sự hấp thụ O2 và thải ra CO2 như lời nữ đại biểu quốc hội?

“Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”, nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp cho biết tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội hôm 5/11.

Tuy nhiên, đứng về mặt khoa học, phát biểu này là không chính xác.

Như chúng ta đã biết, cây có khả năng hấp thụ khí CO2 từ không khí thông qua quá trình quang hợp, từ đó, giúp giảm hàm lượng khí CO2 trong không khí. Trồng rừng chính là một biện pháp quan trọng để giảm lượng CO2 trong không khí. Ước tính, cứ 1-2 triệu km vuông rừng có khả năng hấp thụ tới 1 tỉ tấn carbon mỗi năm - theo báo cáo “Sự thay đổi khí hậu toàn cầu” của Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Woodwell năm 1989.

Một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Cây cao su của Indonesia cho thấy cao su là một loài cây có khả năng hấp thụ khí CO2 rất lớn. Hơn nữa, cây cao su còn tạo ra giá trị kinh tế cao từ việc thu hoạch mủ và gỗ của chúng.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Balai Penelitian Sembawa tại một khu đồn điền cao su được trồng từ năm 1979, thông qua phương pháp đo sinh khối và lượng carbon hữu cơ trong sinh khối.

Các nhà khoa học đã tiến hành chặt cây với nhiều kích thước khác nhau, sau đó tách riêng thành các bộ phận như thân, cành, lá để đo sinh khối. Sau khi đo được sinh khối, các nhà nghiên cứu tiến hành đo hàm lượng carbon có trong sinh khối. Tính trữ lượng CO2 của cây cao su được tính theo công thức: CS = CS(i)*3,67 (kg CO2/cây). Trong đó: CS(i), CS lần lượt là trữ lượng carbon và CO2.

Kết quả cho thấy, những cây cao su có kích thước càng lớn thì càng tích trữ được nhiều trữ lượng carbon, đồng nghĩa với khả năng hấp thụ khí CO2 của chúng càng cao.

Vòng đời của cây cao su từ lúc trồng đến khi thu hoạch rơi vào khoảng 30 năm, khoảng thời này cho phép cây cao su tích tụ được một lượng lớn CO2. Theo Viện nghiên cứu cây cao su Indonesia, trung bình, mỗi ha cao su hấp thụ được 31-39 tấn mỗi năm.

Như vậy, trái ngược hoàn toàn quan điểm của nữ đại biểu quốc hội, báo cáo của Viện nghiên cứu cây cao su Indonesia cho thấy cao su là một loại cây có khả năng hấp thụ CO2 lớn.

Nguồn tham khảo tại đây.