Sáng 6/10, CTCP Dầu thực vật Tường An đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2016 với mục đích thông qua một số thay đổi về nhân sự cấp cao.
Kết quả, ông Trần Lệ Nguyên và bà Nguyễn Thị Hạnh được giới thiệu tham gia HĐQT (nhiệm kỳ 2012-2017). Đồng thời, HĐQT cũng thống nhất bầu ông Trần Lệ Nguyên giữ chức Chủ tịch HĐQT TAC.
Ông Trần Lệ Nguyên được biết đến với cương vị Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido (KDC), Ủy viên HĐQT của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ông Nguyên sinh năm 1968, nguyên quán Trung Quốc. Tính đến 31/6/2016, ông Nguyên đang nắm giữ hơn 25,9 triệu CP KDC (tương đương 10,1%). Ngoài chức vụ TGĐ tại KDC ông Nguyên còn giữ chức TV HĐQT một loạt công ty như: CTCP Địa ốc KIDO, CTCP Tập đoàn Thiên Long, Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam – CTCP.
Trước thương vụ TAC, từ năm 2003 đến nay, KDC đã liên tục thực hiện việc mở rộng hoạt động thông qua việc mua bán sáp nhập với các doanh nghiệp khác. Điển hình như việc mua lại nhà máy Kem Wall của Unilever năm 2003 hay việc nắm giữ cổ phần chi phối tại Tribeco vào năm 2005. Đến 2007, KDC đầu tư vào Nutifood và năm 2009 là mua lại Vinabico.
Trước đại hội cổ đông bất thường của TAC, dư luận đã phần nào đoán định được cục diện bởi trước đó HĐQT TAC đã có ý kiến thống nhất về việc chào mua công khai 65% cổ phiếu TAC từ phía KDC. KDC dự kiến sẽ mua 12,34 triệu CP tương đương với 65% cổ phần từ các cổ đông của TAC. Sau giao dịch, TAC sẽ trở thành công ty con của KDC. Dự kiến, KDC sẽ phải bỏ ra 963 tỷ đồng cho thương vụ này (giá dự kiến chào mua là 78.000đ/cp). Được biết, TAC đang là công ty liên kết của Tổng công ty Công nghiệp và Dầu thực vật Việt Nam (VOC), và VOC đang sở hữu 27% VĐL của TAC, bên cạnh đó, KDC cũng đang sở hữu 24% vốn của VOC.
Hiện tại, nguồn tiền mặt tại KDC được đánh giá khá dồi dào khi đơn vị này vừa quyết định bán mảng kinh doanh bánh kẹo cho đối tác ngoại (dự kiến thu về 2.000 tỷ đồng) nên trong thời gian tới hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) của KDC sẽ không chỉ dừng lại ở TAC.