Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí đang chuẩn bị phương án đóng cửa một số mỏ. Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp của tập đoàn Dầu khí hiện nay là trụ lại, làm sao vượt qua thử thách giá dầu thấp và có thể còn đứng ở mức thấp trước mặt.
Bốn năm trước, trong một cuộc hội thảo về mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, khẩu hiệu đưa ra bấy giờ là các công ty kinh doanh địa ốc làm sao tồn tại được đã. Phải ba năm sau, sau khi nhiều đơn vị bất động sản đóng cửa, những công ty còn lại mới thở phào “tồn tại được rồi!”. Giờ đây, các doanh nghiệp dầu khí nhắc lại điệp khúc đó “tồn tại cái đã!”.
Tính đến thứ Ba tuần này cổ phiếu của Tổng công ty Khí (GAS-Hose) đã tăng 10% và tăng khoảng 40% so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 1-2016. Giới đầu tư cho rằng thị giá cổ phiếu GAS đã quá rẻ để mua vào, đồng thời khí khác với dầu thô, giá khí không giảm nhiều như giá dầu và GAS có thể tham gia quyết định giá sản phẩm đầu ra bán cho các đơn vị tiêu thụ như sản xuất điện, phân đạm... Nói cách khác, lợi nhuận của GAS năm nay sẽ giảm, nhưng không phải giảm mạnh như các công ty khai thác hoặc cung cấp dịch vụ dầu khí.
Đâu có đơn giản như vậy. Khi liên doanh Vietsovpetro hay Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí, hoặc các doanh nghiệp nước ngoài khác bắt buộc phải đóng những mỏ có giá thành khai thác cao, thì họ đâu có khí để bán cho GAS? Đóng mỏ dầu đồng nghĩa đóng luôn nguồn khí. GAS mà không có đầu vào, lấy đâu đầu ra? Và dĩ nhiên lấy đâu doanh thu, lợi nhuận?
Vì sao bây giờ các doanh nghiệp dầu khí mới hé mở hiện trạng khó khăn họ đang phải đối mặt? Thứ nhất vì giá dầu thấp đến giờ đã ngấm vào “xương cốt” của doanh nghiệp và câu hỏi đặt ra không phải là lỗ bao nhiêu nữa mà là sức chịu đựng lỗ đến được mức nào? Đóng mỏ có nghĩa là ngành dầu khí “ngồi chơi xơi nước”, người lao động thất nghiệp, ngân sách mất nguồn thu. Nhưng liệu có doanh nghiệp nào dám bỏ những đồng tiền còn lại vào cái thùng chưa biết đâu là đáy trong khi dòng tiền về đang vô cùng eo hẹp, nếu không nói bằng không?
Thứ hai muốn tồn tại được, hiện tại ngành dầu khí cần tiền, giống như nguồn tài trợ lúc “đói”. Con không khóc làm sao mẹ biết mà cho bú? Dầu khí đã nộp cho ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, giờ ngân sách có “cứu” dầu khí? Mà “cứu” thì ngân sách lấy nguồn nào?
Thứ ba, một vấn đề có lẽ hơi xa nhưng cũng không thể bỏ qua: nếu giá dầu thế giới yếu thêm 1-2 năm nữa, nền kinh tế sẽ ra sao một khi không có PetroVietnam, tức PetroVietnam tạm “nghỉ ngơi” vài năm? Tập đoàn Dầu khí không thể trả lời câu hỏi này một mình được, người quyết định giờ là Chính phủ, là Nhà nước - chủ sở hữu của PetroVietnam.
Giá xăng dầu bán lẻ ở Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một thập niên qua, kéo chỉ số lạm phát đứng ở mức thấp chưa từng có. Đáng lẽ ra sự giảm giá xăng phải tạo hiệu ứng tích cực lên nền kinh tế nhờ giá cước vận tải giảm. Thử hỏi có lĩnh vực kinh doanh nào không liên quan đến vận tải? Thế nhưng cước vận tải đang đứng ở mức cao hoặc chỉ giảm không đáng kể. Hiệu ứng giá xăng đã không tạo được sức đẩy cho các ngành nghề khác. Bàn tay quản lý của Nhà nước và điều tiết vĩ mô dường như đang tắc ở điểm này.
Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu hoặc giá nguyên liệu đầu vào thấp tiếp tục là tâm điểm thị trường. Hãy nhìn ngành vận tải biển và đóng tàu, kinh doanh buôn bán tàu. Khi thị giá cổ phiếu của các công ty vận tải biển về dưới mệnh giá, rồi về mức 5.000 đồng, nhiều người cho rằng đã đủ rẻ, nên mua bỏ vào tủ cất đi ba năm. Hiện nay giá cổ phiếu vận tải biển còn đâu đó 2.000-3.000 đồng và ba năm đã trôi qua. Sự phục hồi của lĩnh vực này tiếp tục dời thời điểm vào tương lai.
Giá dầu quốc tế chứa đựng trong nó hai nhân tố cơ bản: sự đầu cơ và cung cầu bị chi phối của cả yếu tố kinh tế lẫn chính trị. Nó nằm ngoài tầm với của Việt Nam, của giới đầu tư ở Việt Nam, nên để theo được nó, trước hết các doanh nghiệp dầu khí phải tồn tại được đã. Cho đến khi chưa có nguồn tài chính nào bổ sung cho sự thiếu hụt của dòng tiền, mọi sự giải ngân vào cổ phiếu dầu khí hay cao su thiên thiên đều tiềm ẩn rủi ro.
Theo TBKTSG