Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, từ năm 1989 đến nay, cơ cấu dân số nước ta thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ người dân dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24,0%; dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) tăng từ 56,1% lên 68,4%; tỷ lệ người dân trên 65 tuổi tăng từ 4,7% lên 7,6%.
Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam cũng tăng lên, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn hẳn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối lao động - việc làm.
“Tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993 lên 34,9% năm 2017. Dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như khám sức khỏe trước hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, được triển khai và từng bước mở rộng. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi bước đầu phát triển” – Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết.
Buổi lễ mít tinh hưởng ứng Ngày dân số thế giới 11/7 diễn ra tại Hà Nội sáng nay
|
Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm cũng giảm từ 1,7% trong giai đoạn 1989 - 1999 xuống khoảng 1% từ năm 2010 – 2019. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3cm, đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho biết, mức sinh của nước ta trong những năm gần đây đã giảm mạnh. Năm 2016, Việt Nam đạt mức sinh thay thế khi bình quân mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu và được duy trì cho đến nay.
Tốc độ gia tăng dân số quá nhanh cũng được khống chế thành công; cơ cấu dân số có những chuyển biến tích cực, tạo cơ hội cho phát triển nhanh kinh tế - xã hội. Sức khỏe bà mẹ, trẻ em được cải thiện rõ rệt; tuổi thọ bình quân tăng nhanh và đạt 73,5 tuổi; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; chỉ số phát triển con người tăng nhanh và đạt mức trung bình trong các nước trên thế giới.
Ông Uông Chu Lưu đánh giá, Việt Nam đã sớm đạt được tất cả các mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động của Hội nghị Dân số và Phát triển 1994. Những thành tựu này góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.