Tóc cuốn vào bánh xe, bé gái 8 tuổi bị lột cả mảng da đầu, lộ cả xương sọ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Các bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa cấp cứu cho một bé gái 8 tuổi không may bị lột toàn bộ da đầu, lộ cả xương sọ vì tóc cuốn vào bánh xe 3 bánh đang chạy trên đường.
Bác sĩ kiểm tra vết thương cho bé gái bị lột da đầu, lộ xương sọ do tóc cuốn và bánh xe (Ảnh: BVCC)
Bác sĩ kiểm tra vết thương cho bé gái bị lột da đầu, lộ xương sọ do tóc cuốn và bánh xe (Ảnh: BVCC)

Lộ cả xương sọ vì tóc cuốn vào bánh xe

TS.BS. Bùi Mai Anh - Khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: Bé L.L.Đ., 8 tuổi, sống ở Hải Phòng vào viện trong tình trạng toàn bộ phần da đầu bị lột hoàn toàn từ ngang tai vòng qua trán sang tai rồi ra sau gáy, lộ cả xương sọ.

Sau khi xác định bé Đ. không bị thương tổn nào khác, TS.BS. Mai Anh đã tiến hành phẫu thuật nối mảnh da đầu bị đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu cho bé. Tuy nhiên, việc phẫu thuật nối ghép da đầu ở trẻ nhỏ gặp nhiều khó khăn do mạch máu của bé có kích thước rất nhỏ (chỉ khoảng 0,6-0,7 mm), tiềm ẩn nhiều nguy cơ tắc mạch sau nối. Vì thế, các bác sĩ phải có kỹ thuật cao và phương tiện phẫu thuật hiện đại.

Phần da đầu bị lột của bé Đ. (Ảnh: BVCC)

Phần da đầu bị lột của bé Đ. (Ảnh: BVCC)

Trước đó, bé Đ. hay được người nhà chở đi chơi bằng xe 3 bánh. Hôm gặp tai nạn, bé Đ. nằm đằng sau xe, không may tóc của bé bị vướng vào bánh xe. Khi phát hiện tóc bị cuốn vào bánh xe, bé Đ. hoảng sợ nên đã ngồi dậy khiến toàn bộ phần tóc và da đầu cuốn vào bánh xe, lộ cả vùng xương sọ. Nghe thấy tiếng kêu thất thanh của bé, người nha quay lại mới thấy da đầu bé đã bị lột cả mảng.

Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng, bé được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để điều trị.

1 tuần sau phẫu thuật, sức khoẻ của bé đã ổn định, phần da đầu được các bác sĩ ghép nối đã bắt đầu mọc tóc mới.

Chưa có phương pháp phục hồi da đầu bị đứt rời

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đến thời điểm hiện tại chưa có phương pháp tạo hình nào phục hồi được hoàn toàn cấu trúc giải phẫu, chức năng cũng như tính thẩm mỹ của da đầu. Cách duy nhất để phục hồi da đầu đó là nối lại ngay mảng da đầu bị đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu. Nếu không được phẫu thuật vi phẫu kịp thời, toàn bộ xương sọ của người bệnh sẽ bị lộ, tiềm ẩn nguy cơ bị viêm xương nhiễm trùng xương, ảnh hưởng trực tiếp đến não.

Trước đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị mất toàn bộ mảng da đầu và nối ghép thành công hơn 30 người da đầu bị đứt rời.

Ngoài trường hợp bé gái trên, các bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã vi phẫu nối da đầu cho một người phụ nữ làm xưởng dệt may ở Nam Định. Chị này bị cuốn tóc vào máy dệt trong lúc làm việc. Trong lúc sợ hãi, người chủ của cơ sở dệt đã cầm toàn bộ phần da đầu và tóc của chị vứt xuống ao. May mắn, phần tóc và da đầu của chị đã được lấy về để kịp thời ghép nối.

Mặc dù ca phẫu thuật đã thành công, người công nhân làm dệt may đã mọc tóc trở lại nhưng tai nạn bị lột da đầu đã khiến chị ám ảnh suốt cuộc đời, không dám nuôi tóc dài.

Nhằm xử trí kịp thời khi da đầu bị lột, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân nên bảo quản phần da đầu trước khi đến viện cấp cứu bằng cách: Cho phần da đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó đặt da đầu vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C. Tránh để các phần ở da đầu tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng.

Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại phần da thì không nên cắt rời ra, kể cả trường hợp gần như đứt rời hoàn toàn. Thay vào đó dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt độ tương đối lạnh, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương, nhanh chóng đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.