Toàn TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 15 khác với Chỉ thị 16 thế nào?

VietTimes – Nhiều người dân thắc mắc chưa hiểu giãn cách theo Chỉ thị 15 khác với Chỉ thị 16 thế nào? Các khu vực nào của thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị 16?
Kiểm soát người và xe ra vào TP.HCM đang thực hiện giãn cách - Ảnh: CDC TP.HCM

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM, đặc biệt đã xuất hiện "ổ dịch" siêu lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng với số ca bệnh tăng rất nhanh, để kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch với phương châm “Khẩn trương - Thần tốc - Quyết liệt - Đồng bộ - Chủ động”; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày, kể từ 00 giờ 00 ngày 31 tháng 5 năm 2021.

Hai khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16

Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc - Quận 12 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ 00 ngày 31 tháng 5 năm 2021. Có nghĩa, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định; yêu cầu người dân thuộc 2 địa bàn nêu trên chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị tạm dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét khi giao tiếp; không tập trung quá 02 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Khai thác dịch tễ trong vùng phong toả - Ảnh: HCDC

Đối với việc di chuyển từ các địa bàn khác qua quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12, đêm 30, rạng sáng ngày 31/5 có xảy ra ùn tắc vì nhiều người dân chưa kịp di chuyển khỏi vùng phong toả, sáng nay Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an TP.HCM, UBND quận Gò Vấp và UBND Quận 12 đã có văn bản hướng dẫn cụ thể; lập chốt kiểm soát, có thông báo cụ thể trên phương tiện thông tin đại chúng về các tuyến đường bị cấm hoặc hạn chế phương tiện để người dân biết và thực hiện theo đúng quy định.

Giãn cách theo Chỉ thị 15, hàng nào được mở cửa?

UBND TP.HCM yêu cầu nghiêm túc chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang nơi công cộng và nơi làm việc, hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết; người trên 60 tuổi ở nhà toàn thời gian; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết; không tụ tập trên 5 người ở bên ngoài các công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người tại nơi công cộng.

Yêu cầu người dân khi có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh COVID-19 phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, sàng lọc theo quy định; khai báo y tế trung thực, tuyệt đối không được che giấu tình trạng bệnh của mình.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại phường 15, quận Gò Vấp - Ảnh Ngọc Phượng

Tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với các loại hình đã được quy định tại Công văn số 1641/UBND-VX ngày 21 tháng 5 năm 2021 và Công văn số 1737/UBND-VX ngày 28 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố, cụ thể: spa; cơ sở làm đẹp (cắt - uốn tóc nam nữ, nail…); massage; xông hơi; phòng khám thẩm mỹ và bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc; sân khấu kịch; rạp chiếu phim; trung tâm - nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; vũ trường; quán bar; karaoke; hát với nhau; pub; beer club; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập Internet; các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện (vẫn cung cấp tài liệu qua internet); các hoạt động tại phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà (gym, fitness, billiards, yoga,..); các Trung tâm thể dục thể thao; các khu tập luyện thể thao công cộng trên địa bàn thành phố; riêng các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao ngoài trời không tập trung trên 5 người.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 mét trong khi chờ lấy hàng.

Các cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể được hoạt động nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn cụ thể của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.

Riêng đối với nhà hàng trong khách sạn được phép hoạt động để phục vụ cho khách đang lưu trú tại khách sạn. Phải bố trí chỗ ngỗi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 02 người là từ 02 mét trở lên, không phục vụ quá 10 người cùng một thời điểm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.

Các cửa hàng tiện ích được hoạt động, nhưng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19.

UBND TP.HCM yêu cầu các siêu thị phải thực hiện giãn cách, không để tình trạng tập trung đông người. Ảnh chụp tại siêu thị E Mart chiều 30/5 (HCDC)

Đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú theo mô hình Homestay, AirBnb: dừng tiếp nhận khách đến đăng ký lưu trú.

Tạm dừng thêm đối với các loại hình hoạt động sau: trung tâm thương mại; siêu thị điện máy; trò chơi điện tử có thưởng và casino (trong khách sạn) trên địa bàn; các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Tạm dừng việc làm thủ tục cấp căn cước công dân trên địa bàn toàn TP.HCM. Dời kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông cho đến khi có thông báo mới.

Chỉ thị 15 quy định vận tải thế nào?

Hoạt động vận tải khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, trung chuyển, xe buýt: tất cả các chuyến xe phải đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến, hành khách buộc phải mang khẩu trang, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định. Trên xe phải trang bị dung dịch khử khuẩn phục vụ hành khách; thực hiện việc khử khuẩn trước, sau mỗi chuyến xe và cuối mỗi ngày.

Đối với hoạt động vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh: phải đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 10 người/chuyến, hành khách buộc phải mang khẩu trang, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định. Trên xe có trang bị dung dịch khử khuẩn phục vụ hành khách; thực hiện việc khử khuẩn trước, sau mỗi chuyến xe và cuối mỗi ngày.

Đối với xe đưa đón công nhân, nhân viên trước khi hoạt động phải khử khuẩn phương tiện, người ngồi trên xe phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn; đề nghị người đứng đầu đơn vị quy định cụ thể và cố định tuyến xe, người ngồi trên xe để đảm bảo công tác truy vết khi có xảy ra tình huống dịch bệnh COVID-19. Tất cả các chuyến xe đều phải đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.

Sở GTVT TPHCM đã có hướng dẫn quy định phòng chống dịch - Ảnh: HCDC

Hoạt động vận tải khách bằng taxi, xe ô tô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ: vẫn duy trì hoạt động, phải thực hiện nghiêm theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế và các chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải; không vận chuyển hành khách không chấp hành theo quy định; không sử dụng hệ thống điều hòa và phải mở cửa kính xe trong quá trình phục vụ hành khách. Đối với hành khách phải thực hiện khai báo y tế và đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ theo đúng quy định.

Đối với các phương tiện giao thông đường thủy, tàu, phà: đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, hành khách buộc phải mang khẩu trang. Trên phương tiện phải trang bị dung dịch khử khuẩn phục vụ hành khách; thực hiện việc khử khuẩn trước và sau mỗi chuyến xe và cuối mỗi ngày.

Xét nghiệm diện rộng tới đâu?

UBND TP.HCM đã chính thức phản hồi về việc giao Sở Y tế lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, trong đó ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm ngay các thành viên điểm bầu cử có hội viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đi bầu cử; tất cả công nhân, người lao động các Khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Không phải như một số báo thông tin cho rằng TP.HCM sẽ xét nghiệm toàn bộ người dân.

UBND đã chỉ đạo CDC TP.HCM phối hợp Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh huy động sinh viên năm cuối tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo công suất 50.000 mẫu/ngày.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại TP.HCM - Ảnh: HCDC

Các phòng khám, bệnh viện thực hiện nghiêm các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng khai báo y tế điện tử; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với tất cả mọi người khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng triệt để việc thăm bệnh tại các bệnh viện. Có quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân. Đối với các bệnh viện nếu phát hiện ca bệnh COVID-19 trong khu nội trú thì phong tỏa toàn bộ bệnh viện cho đến khi kiểm soát được tình hình. Đối với các bệnh viện phát hiện ca nghi nhiễm được phát hiện trong khâu sàng lọc ban đầu thì ngưng tiếp nhận bệnh nhân để khử khuẩn, vệ sinh khu vực này.