Toan tính của Uniland tại Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cả Uniland và DNSC đều không phải là những cái tên quá nổi bật trên thị trường. Nhưng đặt trong bối cảnh dòng vốn ngoại ồ ạt thâu tóm nhiều công ty chứng khoán lâu đời, thương vụ giữa 2 doanh nghiệp trong nước rất đáng lưu ý. Và đáng lưu tâm hơn khi Uniland là một doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.
Phối cảnh một dự án bất động sản của Uniland (Nguồn: Uniland)
Phối cảnh một dự án bất động sản của Uniland (Nguồn: Uniland)

Mới đây, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 của CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC) đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên gấp 5 lần, từ 60 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.

Theo đó, DNSC sẽ phát hành 24 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 240 tỷ đồng theo mệnh giá) cho CTCP Tập đoàn Đầu tư Uniland (Uniland). Thời gian phát hành dự kiến trong Quý 3-4 năm 2020. Số cổ phiếu phát hành thêm sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Mục đích phát hành được DNSC cho biết là nhằm bổ sung vốn lưu động, hoạt động cho vay ứng trước tiền bán và cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán.

Đáng chú ý, sau đợt phát hành này, Uniland sẽ trở thành công ty mẹ, nắm quyền chi phối tại DNSC (với tỷ lệ sở hữu lên tới 80% vốn điều lệ) thay thế cho CTCP Việt Nam Equity.

Uniland của ai?

Theo tìm hiểu của VietTimes, Uniland mới được thành lập từ tháng 4/2019, ban đầu có tên là CTCP Đầu tư Bất động sản Uniland. Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản.

Khi mới thành lập, Uniland có quy mô vốn điều lệ 39 tỷ đồng, do 3 cổ đông cá nhân góp vốn là: ông Lê Văn Trung (góp 27,3 tỷ đồng, sở hữu 70% VĐL), ông Nguyễn Sỹ Thắng (góp 7,8 tỷ đồng, sở hữu 20% VĐL) và bà Lê Thị Ngọc Tuyền (góp 3,9 tỷ đồng, sở hữu 10% VĐL).

Ông Lê Văn Trung (SN 1974) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn ông Nguyễn Sỹ Thắng (SN 1987) giữ vị trí Giám đốc của Uniland. Ngoài ra, ông Trung hiện còn đứng tên tại CTCP Đầu tư Tuổi trẻ Thủ Đô và CTCP Truyền thông Uniland.

Trong nửa đầu năm 2020, Uniland đã 2 lần tăng vốn, nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 555 tỷ đồng.  

Theo giới thiệu, Uniland hiện đang đầu tư vào các dự án: Uni King Bay – Villa, Uni Riverside City, Dự án Chung cư Nhà Bè, Khu thương mại shophouse Marina Bay. Tuy nhiên, chỉ có dự án khu nghỉ dưỡng Uni King Bay – Villa tại Bình Thuận được đề cập chi tiết hơn cả.

Ngoài các dự án trên, Uniland còn sở hữu sàn giao dịch bất động sản, thực hiện cho thuê văn phòng, hoạt động kinh doanh thương mại.

Trở lại với DNSC, sự gia nhập của Uniland dường như sẽ là lối mở cho các cổ đông lớn còn lại ở doanh nghiệp này.

Tính đến ngày 30/6/2020, CTCP Việt Nam Equity và một pháp nhân có liên quan là CTCP Việt Nam Equity Plus sở hữu tổng cộng 60,53% vốn của DNSC. Tỷ lệ sở hữu này đã giảm gần 10% so với thời điểm tháng 7/2017, khi CTCP Việt Nam Equity nhận 70% vốn DNSC từ các cổ đông cá nhân.

Bên cạnh đó, DNSC còn có 1 cổ đông lớn khác là CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã CK: NDN) với tỷ lệ sở hữu 10%. Tuy nhiên, NDN đã có ý định thoái vốn tại DNSC từ năm 2014.

Trong vài năm trở lại đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang làm thay đổi bức tranh công ty chứng khoán tại Việt Nam.

Mới đây, The Kwangju Bank, Ltd - một thành viên của tập đoàn tài chính Hàn Quốc JB Financial Group - đã thành lập nên Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam (vốn điều lệ 300 tỷ đồng) để mua đứt CTCK Morgan Stanley Gateway (MSGS). 

Sau khi thương vụ được hoàn tất, Kwangju Bank dự tính sẽ tăng vốn MSGS lên 600 tỷ đồng. Trong khi đó, JB Financial Group có thể thực hiện các hoạt động môi giới bất động sản, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. 

MSGS là cái tên mới nhất trong số nhiều công ty chứng khoán "bán mình" cho các nhà đầu tư nước ngoài như: Chứng khoán HFT (nay đổi tên thành Chứng khoán Pinetree), Công ty Chứng khoán Nam An (nay là Chứng khoán Shinhan Việt Nam), Chứng khoán Maritime (nay là Chứng khoán KB Việt Nam)./.