Tình trạng trẻ tự ăn tóc dẫn đến tắc ruột nhập viện cấp cứu, nguyên nhân do đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thời gian gần đây, TP.HCM liên tục ghi nhận các trường hợp trẻ tự ăn tóc gây tắc ruột nặng, phải mổ cấp cứu. Nếu tình trạng này diễn ra nhiều lần, trẻ có nguy cơ đối mặt với một hội chứng đặc biệt. 
Một búi tóc dài được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) lấy ra khỏi ruột một nữ bệnh nhi - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Một búi tóc dài được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) lấy ra khỏi ruột một nữ bệnh nhi - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thông tin trên tờ VietnamNet, ngày 29/5, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã phẫu thuật cho một bé gái 5 tuổi, sống tại quận 8 và lấy ra một búi tóc dài.

VietnamNet trích lời bác sĩ Tạ Huy Cần, Phó khoa Ngoại Tổng hợp, cho biết bệnh nhi đã đau bụng âm ỉ kéo dài. Đỉnh điểm là khi bị ói, tiêu chảy và bụng chướng, em được đưa đi bệnh viện, bác sĩ nghi ngờ trẻ bị tắc ruột. Các chẩn đoán hình ảnh từ siêu âm, X-quang ủng hộ chẩn đoán tắc ruột do búi tóc. Em được nhanh chóng mổ lấy khối tóc gây tắc nghẽn kịp thời. Dù sức khỏe ổn định nhưng vẫn gặp tình trạng lo âu do rối loạn tâm lý kéo dài trước đó.

Cũng theo thông tin trên VietnamNet, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ (Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố) cho biết trong vài năm gần đây bệnh viện ghi nhận khoảng 20 ca nhập viện do ăn tóc. Do tóc không thể tiêu hóa như thực phẩm khi dung nạp, dẫn đến tích tụ thành búi trong dạ dày hoặc trong ruột non và có thể kèm theo "một cái đuôi tóc dài" nằm dọc trong lòng ruột.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Kiều Tiên (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), đây có thể là hệ quả của rối loạn xung động nhổ tóc - một dạng rối loạn hành vi xung động trong tâm thần học có thể gặp ở trẻ em lẫn người lớn.

Tình trạng này thường được bắt đầu bằng hành động sờ, day rồi bứt từng sợi tóc khi đang suy nghĩ, làm việc, học tập,...

Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần và hình thành hành vi tự bứt tóc khi cảm thấy cần suy nghĩ, khi căng thẳng, khi cần giải quyết vấn đề hay khi thấy buồn hoặc thậm chí khi rảnh.

Bác sĩ Kiều Tiên cho biết, trẻ sau khi bứt tóc xong thường nếm thử xem thế nào hoặc để xóa dấu tích tóc rụng vì sợ bố mẹ la mắng dẫn đến việc trẻ sẽ bứt tóc và nuốt luôn. Lâu dần sẽ hình thành búi tóc gây tắc ruột vì con người không có men tiêu hóa chất keratin có trong các sợi tóc.

Bác sĩ cũng chỉ ra một số dấu hiệu giúp phụ huynh nhận ra tình trạng rối loạn xung động nhổ tóc ở trẻ.

Rõ ràng nhất là khi trẻ hay vừa ngồi học hoặc ngồi chơi game sờ đầu, sờ chân tóc và xung quanh nơi trẻ nằm hoặc ngồi sẽ có nhiều tóc rụng.

Khi đưa trẻ khám chuyên khoa da liễu không phát hiện bất thường gây rụng tóc nhưng có những mảng trống đáng ngờ trên da đầu và trẻ thường than đầy bụng dù không ăn gì nhiều.

"Đây được xem là một rối loạn có liên quan đến stress, đến việc kiểm soát hành vi xung động nên trẻ cần được đưa khám ở chuyên khoa Tâm lý - Tâm thần để được chữa trị sớm tận gốc vấn đề, tránh phải giải quyết hậu quả ở phẫu thuật ngoại khoa.

Sau khi được phẫu thuật lấy búi tóc, trẻ cần được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, huấn luyện hành vi để kiểm soát xung động trên", bác sĩ Tiên khuyến cáo.