Tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức, ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ TT&TT – đã thông tin về vai trò của công nghệ và truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19 và công tác y tế.
Theo ông Dũng, trong năm 2021, ngành Y tế cùng ngành TT&TT đã hợp lực làm một trên phương diện công nghệ và truyền thông phòng, chống dịch COVID-19, là tiền đề cho tương lai sau đại dịch.
Sự hợp lực trên phương diện công nghệ thể hiện ở sự ra đời, hoạt động của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia vào tháng 6/2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia đã trở thành cầu nối giữa 2 ngành tạo nên mối quan hệ hữu cơ giữa ngành Y tế và ngành TT&TT.
Ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ TT&TT (Ảnh - Anh Tuấn) |
Hiện nay, các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 đã có hơn 30 triệu người Việt Nam dùng thường xuyên, trong đó PC COVID có 35 triệu người dùng, sổ sức khoẻ điện tử đạt 32 triệu người dùng. Ở Việt Nam, đây là những ứng dụng trên điện thoại có mức độ phổ biến chỉ sau Facebook và Zalo.
Hệ thống họp trực tuyến đã kết nối với 100% chính quyền cấp xã, 100% cơ sở y tế tuyến huyện, 1.623 bệnh viện trên toàn quốc. QR code mất nhiều năm để phổ biến ở Trung Quốc thì chỉ trong 6 tháng đã phổ biến ở Việt Nam tạo tiền đề cho thanh toán số, kinh tế số, xã hội số trong tương lai gần.
“Vì thế, tôi đề nghị mỗi địa phương, cơ sở y tế phải triệt để ứng dụng công nghệ. Địa phương 100% sử dụng nền tảng tiêm chủng là Lạng Sơn; địa phương 100% sử dụng nền tảng xét nghiệm, trả kết quả trực tuyến trên ứng dụng di động là Bắc Giang. Nhiều địa phương triển khai công nghệ hiệu quả như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Dương, Khánh Hoà, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu” – ông Dũng nói.