Theo thông báo của Zalo, có tổng cộng 6 thay đổi quan trọng sẽ xuất hiện trên ứng dụng mạng xã hội này.
Thứ nhất, người lạ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký của bạn. Người dùng cần kết bạn để tài khoản ấy có thể xem và bình luận trên nhật ký.
Thứ hai, mỗi tài khoản chỉ hiển thị 40 lần/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại.
Thứ ba, mỗi tài khoản được phản hồi 40 cuộc hội thoại từ người lạ mỗi tháng. Khi vượt quá hạn mức này, người dùng vẫn có thể đọc được tin nhắn người lạ gửi tới cho mình, chỉ có điều không thể tiếp tục trả lời.
Thứ tư, mỗi tài khoản Zalo mặc định sẽ có tối đa 1.000 bạn. Khi đã đạt hạn mức 1.000 bạn, người dùng không thể thêm bạn mới hay chấp nhận yêu cầu kết bạn từ người khác.
Thứ năm, tài khoản thường sẽ không còn sử dụng được username. Tính năng username sẽ mặc định tắt đối với tài khoản Zalo cá nhân thông thường.
Thứ sáu, mỗi tài khoản được mặc định có 5 mẫu tin nhắn nhanh. Nếu muốn thêm mẫu tin nhắn nhanh mới, người dùng cần xóa bớt những mẫu tin nhắn nhanh cũ.
Để có thể sử dụng không giới hạn các tính năng này như trước đây, người dùng phải chuyển sang gói Zalo OA (Zalo Official Account) doanh nghiệp. Khác với các tài khoản truyền thống, người dùng sẽ phải trả phí, với 3 gói tùy chọn, gồm dùng thử (10.000 đồng/tháng), nâng cao (59.000 đồng/tháng) và premium (399.000 đồng/tháng). Trong đó, gói dùng thử chỉ có thể đăng ký 1 lần duy nhất (chỉ dùng trong tháng).
Các gói Zalo OA doanh nghiệp vừa được Zalo triển khai. |
Trao đổi với báo chí, đại diện Zalo nhiều lần khẳng định việc này "nhằm giúp người dùng quản lý quyền riêng tư tốt hơn".
Người dùng Zalo quay lưng?
Tuy Zalo đưa ra thông báo về những thay đổi này gần 2 tháng trước, đến nay, việc ứng dụng triển khai thu phí vẫn tiếp tục thu hút tranh luận trái chiều. Đa số các ý kiến đều cho rằng nếu người dùng chỉ sử dụng Zalo để tán gẫu với người thân thì hầu như không ảnh hưởng. Hơn thế, người dùng quá nhiều lựa chọn về ứng dụng miễn phí thay thế Zalo. Trong đó phải kể tới iMessage mặc định trên iPhone, ứng dụng đa nền như Telegram, Signal, WhatsApp, Viber, Line,... đều đồng bộ dữ liệu, bảo mật thông tin, chia sẻ ảnh và clip chất lượng cao,...
Người dùng Việt hiện đang có nhiều lựa chọn các ứng dụng OTT để trao đổi thông tin. Ảnh minh họa: Internet. |
Vì vậy, những người không có công việc kinh doanh, không kiếm tiền thông qua Zalo sẽ là những đối tượng dễ thay đổi nhất vì họ chỉ có nhu cầu tán gẫu và chia sẻ câu chuyện bình thường.
Còn những người dùng ứng dụng này để kinh doanh thì sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng nếu không sử dụng các gói dịch vụ vì đã có tập khách hàng tích lũy thời gian dài trên nền tảng này.
“Nhiều người nói sẽ chuyển sang nền tảng nhắn tin khác để tiếp tục kinh doanh, nhưng thực tế việc kinh doanh, kết nối khách hàng thành công hay không phụ thuộc phần nhiều vào các danh sách liên lạc. Vì thế, việc bỏ Zalo sang hoạt động trên ứng dụng khách cũng là điều rất cần cân nhắc” – chị Bảo Quỳnh - người kinh doanh online tại 1173 La Thành nêu suy nghĩ./.