Tình hình eo biển Đài Loan nóng lên, Đài Bắc đẩy mạnh sản xuất tên lửa tầm xa với quy mô lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình hình eo biển Đài Loan liên tục nóng lên, Bắc Kinh đe dọa dùng vũ lực thống nhất Đài Loan ngày càng tăng. Để đối phó, Đài Bắc bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa tầm xa và đang phát triển ba loại mới.
Tên lửa hành trình Hùng Phong - 2E tăng tầm của Đài Loan được cho là có tầm bắn trên 1000km (Ảnh: Đa Chiều).
Tên lửa hành trình Hùng Phong - 2E tăng tầm của Đài Loan được cho là có tầm bắn trên 1000km (Ảnh: Đa Chiều).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 27/3, người đứng đầu cơ quan Quốc phòng Đài Loan Khưu Quốc Chính (Qiu Guozheng) khi trả lời tại Viện Lập pháp đã nói, phát triển khả năng tấn công tầm xa là một ưu tiên của Đài Loan. Ông tiết lộ rằng Đài Loan đã bắt đầu sản xuất với quy mô lớn một loại tên lửa tầm xa và đang phát triển ba loại tên lửa mới khác.

Khưu Quốc Chính tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng nó (tên lửa đang được phát triển) có tầm bắn xa, chính xác và có tính cơ động”. Ông nói thêm rằng Viện Khoa học Trung Sơn chưa bao giờ gián đoạn việc nghiên cứu phát triển loại vũ khí như vậy.

Tin cho biết, trong mấy tháng gần đây, Viện Khoa học Trung Sơn của Đài Loan đã tiến hành một loạt các thí nghiệm tên lửa trên bờ biển phía đông nam của Đài Loan, nhưng từ chối công bố tầm bắn của tên lửa.

Ông Lãnh Kim Tự (Leng Jinxu), Phó chủ tịch Viện Khoa học Trung Sơn của Đài Loan, tuyên bố rằng vũ khí của Đài Loan hiện nay có khả năng tấn công tầm xa bao gồm một loại tên lửa đất đối đất, nhưng cự ly tấn công giữ bí mật, không tiện tiết lộ. Ngoài ra, còn có 3 dự án tên lửa tấn công tầm xa đang được tiến hành.

Ông Khưu Quốc Chính, người đứng đâug cơ quan quốc phòng Đài Loan thuyết trình về chương trình tên lửa (Ảnh: Đa Chiều).

Ông Khưu Quốc Chính, người đứng đâug cơ quan quốc phòng Đài Loan thuyết trình về chương trình tên lửa (Ảnh: Đa Chiều).

Bên cạnh việc sản xuất tên lửa tầm xa, ngày 17/1/2021, hình ảnh đầy đủ về chiếc tàu vận tải đổ bộ kiểu mới của Đài Loan cũng lần đầu tiên lộ diện. Bộ Tư lệnh Hải quân Đài Loan cho biết tàu chiến đổ bộ cỡ 10.000 tấn với thiết kế tàng hình sẽ được hạ thủy sớm nhất vào tháng 3 năm nay và chuyển giao cho Hải quân Đài Loan vào năm 2022. Đài Loan có thể sẽ đóng thêm ba con tàu cùng lớp trong tương lai. .

Sức mạnh quân sự của Đài Loan được cho là thua kém Trung Quốc đại lục. Các lực lượng vũ trang của Đài Loan đang thực hiện nâng cấp hiện đại hóa để có khả năng "răn đe" hiệu quả hơn, trong đó có khả năng tấn công các căn cứ trong nội địa của đại lục trong trường hợp xảy ra xung đột.

Kể từ năm 2021, những tin đồn về Đại lục dùng vũ lực thống nhất Đài Loan đã dần trở nên thường xuyên hơn trong dư luận. Tư lệnh quân đội Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đô đốc Philip Davidson ngày 9/3 tuyên bố Trung Quốc đại lục có thể sẽ tấn công Đài Loan trong vòng 6 năm. Về vấn đề này, ông Khưu Quốc Chính nói: "Công tác chuẩn bị phòng vệ của chúng tôi được tính bằng giờ, chưa nói 6 năm, mà trong 6 giờ chúng tôi đều đã có đề phòng. Có tin đồn trong 6 năm, 1 năm, 2 năm rưỡi, nhưng chúng tôi sẽ không thay đổi chiến lược cơ bản do các tin đồn".

Mô hình tên lửa siêu thanh chống hạm Hùng Phong-3 (Ảnh: Đa Chiều).

Mô hình tên lửa siêu thanh chống hạm Hùng Phong-3 (Ảnh: Đa Chiều).

Hồi đầu tháng 1/2021, Viện Khoa học Trung Sơn – cơ quan nghiên cứu quân sự chính của Đài Loan đã ra thông báo cho biết rằng các vụ phóng thử tên lửa sẽ được tổ chức 3 đợt vào các ngày 7-8, 14-15, 18 và 19/1. Tên lửa được phóng từ căn cứ Cửu Bằng (Jiupeng) ở Bình Đông ra ngoài khơi Nghi Lan (Yilan), nhưng thực tế chỉ diễn ra 2 đợt phóng thử.

Về tên lửa mà viện Trung Sơn của Đài Loan đã thử nghiệm trong hai đợt này, hầu hết các cơ quan truyền thông Đài Loan đều suy đoán rằng đó là tên lửa hành trình tầm xa Hùng Phong-2E (Xiongfeng-2E) hoặc tên lửa phòng không tầm xa Thiên Cung-3 (Tiangong-3) tăng tầm, tức thế hệ thứ hai của tên lửa này. Về vấn đề này, Viện Trung Sơn Đài Loan luôn giữ im lặng và từ chối bình luận. Tuy nhiên, hãng tin CNA của Đài Loan hôm 14/1 đã đưa tin nói các nguồn tin quân sự Đài Loan tiết lộ rằng loại tên lửa hành trình “Xiongfeng-2E” tăng tầm gần đây đã được trang bị với số lượng nhỏ cho quân đội Đài Loan. Loại tên lửa này có tầm bắn lên tới 1.200 km, tầm bắn đã tăng gấp đôi so với tên lửa hành trình "Xiongfeng-2E" trang bị cho lữ đoàn tên lửa đặc chủng tiền phương. Nó có "khả năng tấn công tận nguồn gốc" và có thể "tấn công hiệu quả các căn cứ quân sự ven biển của đại lục”. Điều đáng nói là cho đến gần đây các bức ảnh chụp gần về tên lửa hành trình "Xiongfeng-2E" và "Xiongfeng-2E" được tăng tầm vẫn chưa từng bị lộ.

Tên lửa phòng không tầm xa Thiên Cung-3 được tăng tầm phóng thử hôm 15/1 (Ảnh: 163.com).

Tên lửa phòng không tầm xa Thiên Cung-3 được tăng tầm phóng thử hôm 15/1 (Ảnh: 163.com).

Một bài báo đăng trên tờ Thượng Báo Đài Loan ngày 20/1 khẳng định rằng tên lửa bắn thử vào các ngày 7 và 15/1 đều là tên lửa phòng không tầm xa tăng tầm "Tiangong-3". Bài báo cho biết mục đích của hai vụ phóng thử là để quan sát độ cao quỹ đạo tối đa và khả năng điều khiển bay của tên lửa, đồng thời chuẩn bị cho vụ thử tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung "Jifeng" (Kích Phong) vào cuối năm.

Trước đó, ngày 6/1, Thượng Báo đưa tin rằng cơ quan quốc phòng Đài Loan đã chuyển cho Viện Trung Sơn 800 triệu Đài tệ dùng cho "Dự án Jifeng" có kế hoạch trong vòng 2 năm sản xuất ra Tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung có tầm bắn trên 1.000 km. Cấu hình của tên lửa này tương tự như tên lửa "Pershing-Ⅱ" của Mỹ, là loại tên lửa đạn đạo tầm trung tiêu chuẩn. Tên lửa phòng không tầm xa II "Tiangong-3" cũng tham khảo cấu hình tên lửa hai tầng của "Pershing-II".

Theo báo cáo, tên lửa phòng không tầm xa "Tiangong-3" tăng tầm đã đạt tới độ cao 500 km và sẽ được tăng lên 700 km trong tương lai, là độ cao quỹ đạo của vệ tinh quỹ đạo thấp. Theo tính toán tầm bắn xa nhất của nó có thể đạt từ 1500 đến 2000 km. Nói cách khác, Viện Trung Sơn rất có thể phát triển tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung "Jifeng" dựa trên tên lửa tầm xa "Tiangong-3" tăng tầm.

Động cơ phản lực dùng cho tên lửa Hùng Phong-2E tăng tầm (Ảnh: 163.com)

Động cơ phản lực dùng cho tên lửa Hùng Phong-2E tăng tầm (Ảnh: 163.com)

Không chỉ vậy, có thông tin cơ quan quốc phòng Đài Loan cũng đã ủy quyền cho Viện Trung Sơn tiến hành “Dự án Hùng Chuẩn” chi 3,62 tỷ Đài tệ (tương đương 130 triệu USD) trong 5 năm từ năm 2021 để phát triển tên lửa hành trình tàng hình tầm xa có tầm bắn tới 2.000 km với yêu cầu tên lửa có thể phóng từ đất liền và trên biển, có tính cơ động cao để ngăn chặn đối thủ đánh chặn. Cơ sở nghiên cứu và phát triển của nó là tên lửa hành trình tầm xa "Xiongfeng-2E" nói trên. Truyền thông Đài Loan cho rằng tên lửa hành trình tầm xa Hùng Chuẩn (Falcon) và tên lửa đạn đạo tầm trung "Jifeng" được xếp vào danh sách hai loại "vũ khí chiến lược" của quân đội Đài Loan. Cùng với tên lửa hành trình tầm xa "Xiongfeng-2E", quân đội Đài Loan sẽ có bộ ba tên lửa tấn công với tầm bắn hơn 1.000 km trong vài năm tới.

Sự phát triển mạnh mẽ của quân đội Đài Loan về các loại tên lửa tấn công tầm trung và tầm xa cần được đặt trong bối cảnh Đài Loan đang điều chỉnh khái niệm tác chiến. Họ nhấn mạnh "khả năng tấn công vào nguồn gốc" và "tấn công kẻ thù trên bờ bên kia", mục đích cơ bản là tăng sức đề kháng bằng vũ lực. Chưa cần phải nói đến tên lửa tầm trung và tầm xa, ngày 21/10 năm ngoái, Mỹ đã phê duyệt bán hệ thống phóng tên lửa đa nòng M142 HIMAX và tên lửa tấn công đất đối đất AGM-84H. Ngay ngày hôm sau, người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan khi đó là Nghiêm Đức Phát đã nói rằng hai loại vũ khí này "có thể" và "chắc chắn có thể" bắn tới khu vực ven bờ biển của đại lục.

Hệ thống phóng tên lửa chiến thuật HIMAX Mỹ bán cho Đài Loan năm ngoái (Ảnh: 163.com).

Hệ thống phóng tên lửa chiến thuật HIMAX Mỹ bán cho Đài Loan năm ngoái (Ảnh: 163.com).

Đối với vấn đề Đài Loan, ngày 28/1/2021, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố cứng rắn: “Đài Loan độc lập đồng nghĩa với chiến tranh”. Kể từ đó, các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đại lục đã nhiều lần công khai các cuộc tập trận phối hợp đổ bộ chung hải, lục, không quân của PLA cũng như các cuộc tập trận thực chiến ở Biển Hoa Đông của Chiến khu Miền Đông của PLA.

Bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng nỗ lực "sử dụng vũ lực để đòi độc lập" của Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan (DPP) sẽ không thành công và sẽ chỉ phá hoại hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan và mang đến những tai họa lớn hơn cho người dân Đài Loan.

Quân đội Trung Quốc diễn tập đổ bộ chiếm đảo đe dọa Đài Loan (Ảnh: CCTV).

Quân đội Trung Quốc diễn tập đổ bộ chiếm đảo đe dọa Đài Loan (Ảnh: CCTV).

Ngoài ra, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp báo ngày 7/3 đã nhấn mạnh 3 điểm: “Thứ nhất, trên thế giới chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc không thể tách rời. Đây là một sự thật lịch sử và pháp lý, cũng là nhận thức của cộng đồng quốc tế. Thứ hai, hai bờ eo biển nhất định phải thống nhất và tất sẽ thống nhất; đây là xu thế chung và là ý chí chung của dân tộc Trung Hoa, sẽ không thay đổi, cũng không thể thay đổi. Thứ ba, nguyên tắc một Trung Quốc là nền tảng chính trị của quan hệ Trung - Mỹ và là lằn ranh đỏ không thể vượt qua. Trung Quốc kêu gọi chính phủ mới của Mỹ hãy hiểu đầy đủ tính nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan, nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và ba bản thông cáo chung Trung - Mỹ, đồng thời thay đổi hoàn toàn các hành động nguy hiểm "vượt qua ranh giới" và "chơi với lửa" của chính phủ khóa trước, hãy xử lý thận trọng và ổn thỏa các vấn đề liên quan đến Đài Loan”.