Tình hình Biển Đen tiếp tục diễn biến căng thẳng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng thống Ukraine tuyên bố “NATO cần phải tăng cường hiện diện ở Biển Đen để đối phó với các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của quân đội Nga trong khu vực”.
Mỹ điều máy bay P-8 Poseidon tới do thám ở Biển Đen (Ảnh: Military)
Mỹ điều máy bay P-8 Poseidon tới do thám ở Biển Đen (Ảnh: Military)

Đó là tuyên bố mà ông Volodymyr Zelensky đưa ra trong cuộc gặp mới đây với lãnh đạo các nước Moldova, Romania, và Ba Lan. Tổng thống Ukraine nói rằng “quân đội Nga đã gây sức ép với Ukraine từ mọi hướng. Từ phía Bắc, Nga đang chuẩn bị bàn đạp tấn công từ Belarus, trên hướng Tây, đổ bộ từ Pridnestrovye, ngăn chặn tuyến đường biển ở Crimea, biến Azov thành biển của mình”.

Tổng thống Ukraine đề nghị các nước trong khu vực Biển Đen tăng cường phối hợp với nhau thông qua kênh quân sự, và đặc biệt nhấn mạnh rằng chỉ có NATO mới có thể đảm bảo an ninh cho khu vực này.

Biển Đen có tầm quan trọng như thế nào thì Brussels đã quá rõ, không cần đến Ukraine phải nhắc nhở. Cuối tháng 8/2021, Phó Tổng thư ký NATO Mirch Joana đã xác định: “Khi kiểm soát được Biển Đen, Phương Tây mới có thể chi phối được Trung Đông, Địa Trung Hải, quan trọng nhất là làm suy yếu Nga”.

Tư lệnh quân đoàn 4, thuộc Lực lượng Phòng không, Không quân của Quân khu phía Nam của Nga Nikolai Gostev cho biết: “Năm 2021, không quân trinh sát của NATO xuất hiện ở Crimea nhiều gấp 3 lần. Các máy bay chiến đấu của quân đoàn đã 15 lần xuất kích để hộ tống những máy bay vi phạm, không để lọt một mục tiêu nào”.

Phóng viên Viện khoa học quân sự Nga Sergei Sudakov cho biết: “NATO kiên quyết theo đuổi mục tiêu của mình là điều dễ hiểu. Từ năm 2014, Mỹ và đồng minh bắt đầu gia tăng quân sự trong khu vực, trên biển Barents cũng như vùng Viễn Đông. Hãy làm một phép so sánh: trong năm 2019, không quân của NATO tiếp cận biên giới Crimea 270 lần, từ đầu năm 2021 đến nay, số lần tiếp cận đã lên tới trên 560. Mục đích chính của họ là nắm được sơ đồ phòng thủ ven bờ của hệ thống phòng không và tổ hợp chống hạm của Nga”.

Mục tiêu thăm dò của NATO là gì?

Lực lượng trinh sát của NATO đặc biệt quan tâm đến các tổ hợp chống hạm ven bờ Bastion, Bal của Nga. Đây là tổ hợp tên lửa tầm xa, có thể tiêu diệt được mọi mục tiêu trên Biển Đen. Ngoài ra, NATO rất muốn biết: Nga có bao nhiêu hệ thống S-400 Triumph và S-300PM ở Crimea, và cách bố trí các hệ thống này ra sao?

Phóng viên Sudakov cho biết thêm: “Khi các máy bay có ý đồ xâm phạm của NATO vừa tiếp cận biên giới Nga, đã được hệ thống radar Nga “tiếp đón” luôn, nhưng qua việc “tiếp đón” này, tọa độ của hệ thống radar cũng có thể bị phát hiện. Căn cứ vào các dữ liệu trinh sát được, các vệ tinh của Mỹ trên khu vực Biển Đen sẽ chụp ảnh địa hình, qua đó xác định hệ thống radar được kết nối với chủng loại vũ khí nào, số lượng bao nhiêu, cách bố trí ra sao. Ngược lại, quân đội Nga cũng hạn chế tối đa việc để lộ những gì mà đối phương đang muốn khai thác. Hệ thống radar phòng không của Nga ở Crimea khi thực hiện theo dõi mục tiêu, luôn đặt ở chế độ thụ động, vì vậy các máy bay của NATO không thể xác định được tọa độ của chúng”.

NATO không chỉ tăng cường hoạt động trinh sát trên không, mà còn tăng cường hiện diện trên biển. Các tàu chiến của NATO thường xuyên ra, vào cảng biển của Ukraine, tổ chức các cuộc tập trận chung với Hải quân Ukraine, gần đây nhất là cuộc tập trận Sea Breeze tháng 7/2021. Hạm đội Biển Đen luôn theo dõi sát sao mọi động thái của NATO, và đặc biệt nâng cao cảnh giác sau sự cố với tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh trên lãnh hải của Nga ở Biển Đen.