Nga: Tình hình căng thẳng trên Biển Đen bị đẩy lên "một cách cố ý" bởi các thế lực bên ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quân đội Nga đã báo cáo về sự gia tăng đáng chú ý trong các hoạt động tập trận và do thám của NATO trên Biển Đen trong những tuần gần đây.
Các chiến hạm Nga trong một cuộc diễu binh hải quân tại Sevastopol năm 2019 (Ảnh: Sputnik)
Các chiến hạm Nga trong một cuộc diễu binh hải quân tại Sevastopol năm 2019 (Ảnh: Sputnik)

Tháng trước, Hải quân Hoàng gia Anh đã cố gắng thử thách phản ứng của phía Nga khi điều một tàu khu trục đi vào vùng biển của Nga, ở gần Crimea. Sự việc này đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Moscow và London.

Các thế lực bên ngoài đang cố tình làm tăng căng thẳng trên Biển Đen, và Moscow sẽ theo dõi sát sao việc thực thi Công ước Montreux về việc di chuyển các chiến hạm ra và vào các vùng biển; Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo.

“Nhằm chống lại hành động cố tình làm tăng căng thẳng tình hình trên Biển Đen của những thế lực không phải ở trong khu vực, chúng tôi cho rằng việc đảm bảo thực thi điều khoản của Công ước Montreux là rất cấp thiết” – một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga nói với hãng Sputnik.

“Đóng một vai trò đặc biệt trong vấn đề này chính là Thổ Nhĩ Kỳ, bên có một số quyền nhất định trong việc kiểm soát sự di chuyển của các tàu quân sự băng qua eo biển. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình liên quan tới việc thực thi Công ước này” – phát ngôn viên nói thêm.

Tuần này đánh dấu kỷ niệm lần thứ 85 Công ước Montreux được thực thi. Được ký vào năm 1936, tài liệu này nhằm đảm bảo sự tự do di chuyển của các tàu thương mại của tất cả các quốc gia trong cả thời chiến và thời bình. Tuy nhiên, công ước này hạn chế sự di chuyển của các tàu chiến, chủ yếu nhằm vào các thế lực không thuộc khu vực Biển Đen, hạn chế trọng tải tối đa của các chiến hạm hải quân đi vào vùng biển này.

Theo các điều khoản của công ước, chiến hạm thuộc về các nước không nằm gần Biển Đen không thể lưu lại trong vùng biển này quá 21 ngày, và tổng trọng tải của chúng không được vượt quá 30.000 tấn.

Mỹ đã vi phạm Công ước Montreus vài lần trong quá khứ. Năm 2014, USS Taylor, một tàu khu trục lớp Oliver Hazard Perry, đã lưu lại 33 ngày trên Biển Đen, vượt quá 21 ngày được cho phép, do bị hư hại và cần sửa chữa. Trước đó, trong cuộc chiến Georgia-Nam Ossetia năm 2008, Lầu Năm Góc cũng vi phạm Công ước khi triển khai một tàu cỡ lớn tới Biển Đen, làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính pháp lý của hành động này.

Tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố xây dựng Kênh Istanbul, một dự án tham vọng và gây tranh cãi có tổng trị giá lên tới 10 tỉ USD, trong đó xây dựng một tuyến đường biển nhân tạo được xem là để thay thế Eo Bosphorus.

Moscow đã thể hiện quan ngại rằng NATO có thể sử dụng con kênh này để thách thức Công ước Montreux và triển khai thêm chiến hạm tới Biển Đen, vượt mức được Công ước cho phép. Nhưng trong mọi tình huống, Hạm đội Biển Đen của Nga vẫn đảm bảo rằng họ có đủ phương tiện kỹ thuật và khí tài quân sự để kiểm soát, theo dõi mọi tàu quân sự nước ngoài đang hoạt động ở Biển Đen.