Cụ thể, trích danh sách cổ đông do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cung cấp, Eximbank cho biết, tại thời điểm ngày 30/6/2023, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tổng cộng 95,9 triệu cổ phiếu EIB, chiếm 6,48% vốn điều lệ. Trong đó, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm giữ 33,4 triệu cổ phần, tương đương tỉ lệ sở hữu 2,26%.
SMBC từng là cổ đông chiến lược của Eximbank nhưng ‘cuộc chiến vương quyền’ dai dẳng ở nhà băng này khiến cổ đông Nhật Bản mất kiên nhẫn. Đến ngày 13/1/2023, SMBC đã bán thỏa thuận 132,8 triệu cổ phiếu EIB, giảm sở hữu tại Eximbank xuống còn 4,27% vốn điều lệ - tương đương 52,5 triệu cổ phiếu.
Không còn là cổ đông lớn, giao dịch cổ phiếu EIB của SMBC cũng trở nên bí ẩn với phần đông thị trường.
Với tầm vóc của một trong những định chế hàng đầu châu Á, họ hẳn rất biết cách tối đa hóa giá trị của các khoản đầu tư tài chính, nhằm dồn lực cho các hoạt động khác, kể như ‘deal’ tỉ đô với VPBank.
Đối với các cổ đông trong nước, theo Eximbank, tại ngày 30/6/2023, nhóm cổ đông nhà nước nắm giữ 74,85 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 5,07% số cổ phiếu đang lưu hành.
Eximbank từng có sự đồng hành của Vietcombank trong vai trò cổ đông lớn. Trước thời điểm kết thúc năm 2018, nhằm tuân thủ quy định sở hữu theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, Vietcombank đã chuyển nhượng 6,6 triệu cổ phiếu EIB, qua đó giảm tỉ lệ sở hữu tại Eximbank xuống mức 4,84%.
Hiện tại, Eximbank đang triển khai phương án phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 18%, qua đó có thể tăng vốn điều lệ lên mức 17.469,6 tỉ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành việc tăng vốn trước ngày 31/10/2023.
Nguồn vốn tăng thêm sẽ được Eximbank dùng để mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ.
Năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 5.000 tỉ đồng, tăng 34,8% so với năm trước. Nhà băng này cũng đặt mục tiêu tổng tài sản trong năm 2023 tăng 13,5% lên 210.000 tỉ đồng; dư nợ tín dụng tăng 12%; huy động vốn tăng 11%./.